Hơn 8 tháng sau ca ghép phổi, hiện bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. (17 tuổi, ngụ tỉnh Hải Dương) đã có thể nhúc nhắc đi lại và tập phục hồi chức năng trong khu vực hồi sức của Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực.
Sau hơn 8 tháng được ghép phổi, Nguyễn Văn Đ. đã có thể đi lại và tự ăn uống nhưng vẫn phải thở máy
Đây là khu vực cách ly với những yêu cầu khắt khe về vô trùng nên việc chăm sóc hầu như được thực hiện bởi nhân viên y tế.
Bác sĩ Phạm Tiến Quân, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết đến thời điểm này sức khoẻ bệnh nhân Đ. đã tốt hơn rất nhiều so với thời điểm sau phẫu thuật. Gần 1 tháng nay, dù tăng được hơn 1 kg nhưng số cân nặng và thân hình của Đ. vẫn khá nhỏ bé, cậu chỉ nặng hơn 30 kg.
Hiện mỗi ngày Đ. được tập phục hồi chức năng 1-2 tiếng với xe đạp vận động. Bệnh nhân tuy không còn phải thở máy liên tục trong ngày nhưng cuộc sống của thiếu niên này vẫn chỉ có thể loanh quanh trong khu vực hồi sức. Theo bác sĩ Quân, vấn đề được quan tâm nhiều nhất đối với bệnh nhân vẫn là dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Bệnh nhân đã tự ăn cháo, sữa, nước trái cây...
"Đến thời điểm này chúng tôi đánh giá phổi ghép cho bệnh nhân đã hoạt động tốt và người bệnh tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng hô hấp và điều chỉnh các rối loạn thường gặp sau ghép phổi. Với sự hồi phục hiện tại chúng tôi hy vọng một vài tháng nữa bệnh nhân có thể xuất viện và hoà nhập với cộng đồng" - bác sĩ Quân nói.
Việc quyết định ghép phổi đã cứu sống cậu thanh niên 17 tuổi tại thời điểm cận kề cái chết
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực thuộc Bệnh viện Việt Đức, đây là một ca ghép phổi rất đặc biệt từ người hiến chết não. Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng phải thở ô-xy do bệnh mô bào ở phổi đoạn cuối.
Sau 5 năm chống chọi với căn bệnh này, thân hình cậu thiếu niên 17 tuổi chỉ còn da bọc xương, cuộc sống gắn chặt với máy thở trên giường bệnh, tiên lượng cuộc sống sẽ dừng lại rất sớm do bệnh đã ở giai đoạn cuối. Nếu không ghép phổi, chắc chắn bệnh nhân sẽ chết.
Phòng điều trị bệnh nhân ghép phổi với những yêu khắt khe về vô trùng
"Có thể nói, ca bệnh của Đ. là một sự thử thách đối với bệnh nhận và ê kíp bác sĩ gần 500 người. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian, với “tử thần” để giành lại sự sống cho cháu. Bởi trước khi mổ tình trạng của cháu rất nguy kịch. Sau 15 giờ chạy đua với thời gian, ngày 12-12-2018, ê-kíp phẫu thuật đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầy khó khăn” - PGS Ước chia sẻ.
Sau ghép phổi, nhiều tháng nằm trên giường hồi sức ở phòng điều trị cách ly, bệnh nhân từng không ít lần phải đối mặt với những bất lợi về mặt sức khoẻ do cơ thể quá suy kiệt và một số tổn thương phối hợp ở cơ quan khác.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. hiện đang hồi phục rất tốt
Theo PGS Ước, trải qua hơn 8 tháng điều trị tích cực, các chức năng tim, gan của bệnh nhân không còn suy nữa. Phổi ghép cũng đã tốt hơn nhiều và không còn tình trạng nhiễm trùng. "Với một ca đại phẫu thuật như ghép phổi lại trên nền một bệnh nhân mắc bệnh lý phức tạp, suy dinh dưỡng nặng... thì diễn biến sức khỏe như hiện tại của bệnh nhân đang được đánh giá là tốt nên chúng tôi tin một ngày không xa cậu thanh niên nhỏ bé này sẽ được xuất viện, hoà nhập cuộc sống" - PGS Ước chia sẻ.
8 tháng, chi phí điều trị bệnh nhân ghép phổi gần 5 tỉ đồng
GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết hiện chi phí điều trị cho bệnh nhân ghép phổi nói trên đã lên tới số tiền khoảng 5 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí này được sự hỗ trợ của bệnh viện và các nhà hảo tâm. Đây là trường hợp đầu tiên được ghép phổi tại Bệnh viện Việt Đức.
Mới đây, vào tháng 8-2019, ca ghép phổi thứ 2 cho nam bệnh nhân 30 tuổi cũng được thực hiện tại bệnh viện này. Hiện sức khoẻ bệnh nhân này đang tiến triển tốt.
Các chuyên gia ghép tạng cho biết ghép phổi được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng. Tại các nước có có "thâm niên" về ghép phổi, thời gian người bệnh phải điều trị sau ghép thường kéo dài từ 2-3 tháng.