Theo báo Washington Post ngày 5-9, giới chức y tế liên bang hiện lo lắng về sự hiện diện của vitamin E acetate trong thiết bị hút của hàng trăm bệnh nhân. Các chuyên gia cho biết, vitamin E acetate (có trong dầu của cải dầu, đậu nành và bắp) không gây hại khi được tiêu hóa dưới dạng vitamin bổ sung hoặc bôi lên da, nhưng cấu trúc phân tử của nó có thể gây nguy hiểm khi hít phải. Các đặc tính giống dầu của nó có thể liên quan đến các triệu chứng hô hấp mà nhiều bệnh nhân đã báo cáo gồm ho, khó thở và đau ngực.
Trước đó, qua nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học từ Đại học Y Baylor ở Texas phát hiện khi hít hơi phả ra từ thuốc lá điện tử, phổi của chuột tích tụ chất béo. Sự tích tụ bất thường này khiến phổi bị tổn thương nghiêm trọng, khi các tế bào miễn dịch mất chức năng phòng bệnh. Bằng chứng là khi chuột phơi nhiễm virus cúm, hệ miễn dịch phổi của chúng bị rối loạn và nhiễm bệnh.
Nhiều người cho rằng thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá truyền thống. Nhưng “an toàn hơn” không có nghĩa là “không có rủi ro”.
Mới đây nhất, nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cho thấy vaping có thể gây hại sức khỏe sinh sản nói chung. Theo đó, nicotine và các hóa chất trong dung dịch vaping có chứa các hợp chất có thể ức chế sự thụ thai và khiến phôi thai khó bám vào thành tử cung hơn. Thai phụ vaping có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh như sẹo mặt và phát triển hộp sọ không đều. Tiến sĩ Sinem Karipcin, một chuyên gia sinh sản tại Đại học Columbia, cũng cho biết phụ nữ hút thuốc điện tử dễ bị vô sinh và mãn kinh sớm hơn so với những người không bao giờ hút thuốc.
Được biết, thuốc lá điện tử xuất hiện cách đây hơn 15 năm như một sự thay thế an toàn hơn thuốc điếu. Nhưng sự hấp dẫn của các thiết bị và mùi hương đa dạng của chúng đã thu hút đông đảo thanh thiếu niên (vốn có thể không bao giờ hút thuốc) sử dụng, tạo ra cái mà các bác sĩ ví như một “dịch bệnh”. Theo CDC, cứ 20 học sinh cấp hai thì có 1 em hút thuốc lá điện tử và tỷ lệ này ở học sinh trung học lên tới 20% trong năm 2018.