Kiểm soát yếu tố nguy hại nơi làm việc

Chủ nhật, 17 Tháng 11 2019 07:30 (GMT+7)
Môi trường lao động luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tai nạn thương tích đối với người lao động. Vì vậy, các cơ sở, doanh nghiệp cần quan tâm, thực hiện quan trắc môi trường lao động (QTMTLĐ) định kỳ nhằm phát hiện sớm các nguy cơ, yếu tố có hại nơi làm việc.
 
Nhân viên Khoa Bệnh nghề nghiệp - sức khỏe lao động môi trường, CDC thực hiện quan trắc môi trường lao động tại công ty may.
Thạc sĩ Lâm Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC), cho biết: Việc thực hiện QTMTLĐ tại cơ sở lao động, nơi làm việc rất cần thiết, giúp kiểm soát các yếu tố nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Kết quả QTMTLĐ cũng đánh giá mức độ tiếp xúc; đồng thời là cơ sở để cải thiện môi trường làm việc, thực hiện chế độ phụ cấp độc hại cho nhân viên, người lao động.
 
Các doanh nghiệp nên lựa chọn những đơn vị uy tín, có đủ năng lực, điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực trong lĩnh vực này để thực hiện QTMTLĐ nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 
 
Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) số 84/2015/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 25-6-2015 có quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện đảm bảo ATVSLĐ tại cơ sở sản xuất.
 
Cụ thể tại Điều 18 quy định người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.
 
Đối với yếu tố có hại được Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức QTMTLĐ để đánh giá yếu tố có hại ít nhất 1 lần trong 1 năm.
 
Đơn vị tổ chức QTMTLĐ phải có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Đối với yếu tố nguy hiểm, người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm soát, quản lý đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc và ít nhất một 1 lần trong 1 năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá yếu tố này theo quy định của pháp luật.
 
Luật ATVSLĐ cũng quy định ngay sau khi có kết quả QTMTLĐ, người sử dụng lao động phải thông báo công khai cho người lao động tại nơi QTMTLĐ và nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm; cung cấp thông tin khi tổ chức công đoàn, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu. Đồng thời, có biện pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm bảo đảm ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
 
Tại TP Cần Thơ, từ ngày 1-7-2019, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động và Môi trường TP Cần Thơ đã sáp nhập về CDC, nhằm củng cố và phát huy các hoạt động về ATVSLĐ trên địa bàn, đặc biệt trong lĩnh vực QTMTLĐ. Trung tâm thực hiện QTMTLĐ theo nhiệm vụ và dịch vụ cho hầu hết các ngành nghề sản xuất, như: ngành Y tế trong các chương trình phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chương trình quan trắc môi trường y tế cho các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến thành phố tại ĐBSCL; các hợp đồng dịch vụ hằng năm với các cơ sở lao động trong ngành dầu khí, may mặc, xi măng, xăng dầu, hóa chất, giày da, nông nghiệp, thực phẩm...
 
Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm đã tư vấn, khảo sát, đo đạc lấy mẫu phân tích, báo cáo và đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc trong môi trường lao động cho hơn 2.100 lượt đơn vị. Để đáp ứng yêu cầu quan trắc yếu tố có hại trong môi trường lao động, Trung tâm đã đầu tư các hệ thống, trang thiết bị quan trắc hiện đại, cùng với các phòng thí nghiệm lý hóa đạt tiêu chuẩn ISO 17025.
 
Trung tâm có hồ sơ công bố là đơn vị đủ điều kiện thực hiện QTMTLĐ đúng với thực tế; năng lực QTMTLĐ đáp ứng theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP, Nghị định 140/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị.
 
Theo Thạc sĩ Lâm Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm CDC, hiện nay các đơn vị, cơ sở doanh nghiệp đã xác định được tầm quan trọng trong công tác đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân được trang bị ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện biện pháp cải thiện môi trường lao động nhằm giảm thiểu các yếu tố độc hại gây ảnh hưởng sức khỏe người lao động.
 
Tuy nhiên, một số nơi, môi trường sản xuất, điều kiện làm việc chưa tốt, người lao động còn phải làm việc trong môi trường độc hại, các chỉ số về bụi, tiếng ồn, hơi khí độc,... vượt mức cho phép. Công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ ở một số doanh nghiệp chưa đúng định kỳ hoặc có thực hiện nhưng còn mang tính chất đối phó.
 
CDC sẽ tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các công ty không thực hiện tốt quy định pháp luật về ATVSLĐ và các chế độ, chính sách, quyền lợi của người lao động. Triển khai mô hình quản lý ATVSLĐ tại các doanh nghiệp… Trung tâm sẽ có kế hoạch đưa hoạt động QTMTLĐ ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn diện cho người lao động.
Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe