Bệnh nhi đang điều trị SXH tại Khoa Nhi- BVĐK tỉnh Vĩnh Long.
Thời tiết mưa nhiều, nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi phát sinh mật độ muỗi, lăng quăng và số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) dự báo sẽ gia tăng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Ngành y tế đang rà soát, và xử lý các điểm nguy cơ trên địa bàn.
Đồng thời, thực hiện các hoạt động truyền thông lồng ghép phòng chống SXH, tránh để dịch bệnh bùng phát, và lây lan trên diên rộng.
Đừng chủ quan khi sốt, mệt mỏi
Dù SXH là căn bệnh nguy hiểm, song, vẫn còn không ít người dân chưa nhận diện được SXH có những biểu hiện bệnh như thế nào, dẫn đến việc chăm sóc điều trị tại nhà bằng những loại thuốc hạ sốt mà không đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác.
Thông thường, gia đình chỉ đưa người bệnh đến bệnh viện khi có những biểu hiện mệt mỏi, kiệt sức. Chính cách xử lý không đúng này gây không ít khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh SXH.
Có con điều trị SXH tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, chị Nguyễn Thị Nhung (ở Long Hồ) cho biết: “Tui thấy con nóng hầm hập, cứ nghĩ mưa rồi bị cảm sốt bình thường nên mua thuốc hạ sốt cho con uống. Ai dè, nóng quá, 1 ngày trước nhập viện sốt cao 39-40 độ. Người thì nóng ran nhưng trong thì lạnh run cầm cập. Chị phải quấn mềm, ôm cho con bớt lạnh”.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long- cho biết: “Một số phụ huynh vẫn còn chủ quan trong căn bệnh này nên khi đưa trẻ đến thì trẻ đã trong tình trạng có sốc, sốc nặng. Khi đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, khi trẻ sốt cao liên tục 2- 7 ngày và có các triệu chứng như đau đầu, nôn ói, chán ăn, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, chảy máu răng, máu mũi các bậc phụ huynh nên nghĩ đến bệnh SXH đưa trẻ đến cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời”.
Trong thực tế, bệnh SXH thường được cho là bệnh của trẻ em, nhưng gần đây, số ca mắc bệnh là người lớn tăng khá rõ, với tỷ lệ chiếm hơn 40% trong tổng số ca mắc SXH. Ngành y tế ghi nhận có nhiều ca SXH người lớn nặng khi nhập viện trong giai đoạn sốc, không bắt được mạch, không đo được huyết áp.
Nguyên nhân do người lớn bị SXH thường ít được chú ý, khi thấy sốt, mệt thì ra nhà thuốc mua thuốc về uống mà không đi khám bệnh kịp thời đặc biệt đối với bệnh nhân đang có bệnh lý kèm theo thì dễ gặp nguy hiểm và khó điều trị.
Bà Cao Thị Lài (huyện Châu Thành- Đồng Tháp) có chồng bị SXH nặng đang điều trị tại BVĐK tư nhân Triều An- Loan Trâm cho biết: “Chồng tui thấy sốt nên tự đi mua thuốc uống. 3 ngày sau, tui thấy ổng mệt quá nên đưa đi cấp cứu, bác sĩ nói bệnh nặng do có bệnh tiểu đường và lớn tuổi nên sức đề kháng yếu”.
Tập trung phòng, chống SXH
Bệnh SXH sẽ còn có những diễn biến phức tạp. Khi lượng mưa nhiều và kéo dài, điều kiện sinh sống, ẩn trú của muỗi vằn nhiều hơn sẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh nở và phát triển nhanh chóng. Nếu như người dân vẫn còn chủ quan, không tích cực diệt lăng quăng, diệt muỗi…, nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới là rất cao.
Triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại các địa phương có nhiều ca mắc bệnh SXH và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch là biện pháp đang được ngành y tế Vĩnh Long triển khai nhằm hạ thấp mật độ muỗi, lăng quăng trong thời gian ngắn nhất; đồng thời, đánh động cộng đồng nâng cao ý thức diệt muỗi, lăng quăng phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.
Ngoài ra, ngành y tế tập trung phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh tại các ổ dịch nhỏ cũng được khẩn trương thực hiện. Các khu dân cư có nguy cơ bùng phát thành dịch cũng được ngành y tế lưu ý.
Ngành y tế tỉnh kịp thời xử lý, khống chế, dập tắt các ổ dịch không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- khuyến cáo: “Người dân phải thường xuyên dùng nhang muỗi hoặc bình xịt muỗi diệt muỗi trong nhà. Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, đậy dụng cụ chứa nước sinh hoạt trong gia đình ngăn chặn không cho muỗi vào đó sinh sản phát triển; kiểm tra và súc rửa dụng cụ chứa nước có lăng quăng bởi không có lăng quăng sẽ không có bệnh SXH”.
Bệnh SXH đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Để khống chế bệnh SXH bùng phát thành dịch, bên cạnh các biện pháp của ngành y tế, sự chung tay diệt muỗi, lăng quăng của mỗi người sẽ góp phần tích cực bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trước căn bệnh này.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh có hơn 670 ca SXH, giảm gần 300 ca so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu tại TP Vĩnh Long, huyện Long Hồ, huyện Bình Tân.
|
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)