Tiêm bù trong tháng 7, tháng 8
Trẻ tiêm nhắc dịch vụ mũi phòng bệnh bạch hầu tại CDC Cần Thơ.
Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Ân, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, cho biết: Bạch hầu được tiêm phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nằm trong các mũi tiêm phối hợp 5 trong 1 (SII) và 3 trong 1 (DPT) gồm có 3 liều cơ bản và chích nhắc khi trẻ 18-24 tháng tuổi. Theo số liệu 3 năm gần đây, ở TP Cần Thơ, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch đầy đủ (tiêm đầy đủ các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng – PV) đạt từ 90% - 98%. Trẻ từ 18 tháng - 24 tháng tiêm DPT (mũi nhắc lại) đạt từ 91% - 98%. Trong 6 tháng đầu năm 2020 (trừ tháng 4-2020, tạm ngưng tiêm do dịch COVID-19), có 7.214 trẻ được miễn dịch đầy đủ, đạt tỷ lệ trên 48% và tiêm nhắc cho 6.724 trẻ từ 18-24 tháng tuổi, đạt tỷ lệ 46,6% so với chỉ tiêu năm.
Nhằm chủ động ứng phó với bệnh bạch hầu, ngày 7-7, CDC Cần Thơ đã có công văn gởi Trung tâm Y tế quận, huyện đề nghị tăng cường tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em dưới 1 tuổi đủ 3 liều vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mũ do Hib (DPT-VGB-Hib), đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt chỉ tiêu 97%. Đồng thời rà soát trẻ em trên 1 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin DPT-VGB-Hib, tổ chức tiêm bù cho các đối tượng trên ngay trong tháng 7 và 8 năm 2020. Sử dụng vắc-xin DPT-VGB-Hib (SII) cho trẻ 18 tháng.
CDC Cần Thơ cũng đề nghị Trung tâm Y tế phối hợp các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh giám sát, phát hiện sớm, điều tra, xét nghiệm, đáp ứng kịp thời các trường hợp bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng ngừa trong tiêm chủng mở rộng, nhất là các bệnh tái nổi gần đây như: sởi, rubella, bạch hầu, ho gà và uốn ván.
Tiêm ngừa dịch vụ tăng gấp 10 lần
Theo Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Ân, phụ huynh muốn biết con em mình có tiêm hay chưa thì có thể mở sổ tiêm chủng cá nhân (trạm y tế cấp) để xem. Trong trường hợp làm mất sổ, phụ huynh liên hệ với trạm y tế để xem lại thông tin. Trong trường hợp trẻ tiêm dịch vụ, hiện nay, thông tin tiêm chủng mở rộng và dịch vụ đã kết nối với nhau, nên gia đình có thể liên hệ ngay đơn vị đã tiêm dịch vụ hoặc trạm y tế để nắm tiền sử tiêm chủng của trẻ.
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở các trạm y tế, trẻ được tiêm các mũi cơ bản. Tuy nhiên, sau 5 năm, ở trẻ nhỏ, các chuyên gia khuyến cáo, trong tình hình dịch bạch hầu hiện nay, trẻ từ 4 tuổi trở lên, đã tiêm đủ các mũi cơ bản, có thể tiêm nhắc để tăng thêm kháng thể bảo vệ.
Với người lớn, theo Bác sĩ Huỳnh Thanh Triều, Phó Trưởng Phòng khám Đa khoa - Chuyên khoa (CDC Cần Thơ), nếu không nhớ rõ lịch sử tiêm thì người lớn có thể tiêm nhắc 1 mũi vắc-xin duy nhất để phòng bệnh. Mũi này có tác dụng bảo vệ 10 năm. Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, trẻ em phải được tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch. Trẻ em từ 4 tuổi trở lên đến người lớn và người già 64 tuổi nên tiêm nhắc một mũi, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 5-10 năm nhằm tăng cường miễn dịch chủ động.
Cũng theo Bác sĩ Huỳnh Thanh Triều, từ tháng 6-2020 đến nay, lượng người lớn và trẻ em đến tiêm nhắc vắc-xin phòng bệnh bạch hầu tăng rất nhanh, hiện nay mỗi ngày trung bình tiêm nhắc cho hơn 40 người lớn và trẻ em. Trước đây, chỉ khoảng 20 người trong một năm.
Giá tiêm dịch vụ tại CDC Cần Thơ dao động từ 459.000 đồng đến 964.000 đồng/mũi. Hiện nay, Trung tâm vừa nhập về 300 liều vắc-xin. Sắp tới tiếp tục nhập về thêm 200 liều nữa, đảm bảo đủ vắc-xin để phục vụ cho người dân.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc - xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
|
Bài, ảnh: H. HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)