Sốt xuất huyết vẫn còn cao điểm

Chủ nhật, 27 Tháng 9 2020 07:49 (GMT+7)
Gần đây, số ca sốt xuất huyết tăng nhiều và dễ trở nặng. Người dân nên để ý theo dõi những dấu hiệu cảnh báo khi bị sốt

Tại TP HCM từ đầu năm đến nay đã có hơn 12.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Trong tháng 8 vừa qua đã có 1 thiếu nữ 16 tuổi (ở quận 7) tử vong vì bệnh này. Thạc sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết hiện nay mỗi tuần TP ghi nhận 500-600 ca SXH. Giai đoạn cao điểm của bệnh SXH tại TP HCM thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12.
 
Căn bệnh quanh năm
 
Theo TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), bệnh SXH vẫn còn đang trong giai đoạn cao điểm. Số bệnh nhi trung bình hằng ngày ở khoa là khoảng 50-60 bé.
 
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), cho biết thường mùa bệnh SXH sẽ kéo dài đến tận cuối năm. Khi mùa mưa hết hẳn thì số ca bệnh sẽ giảm, nhưng vẫn có các ca rải rác suốt mùa khô bởi đây là căn bệnh quanh năm, muỗi gây bệnh SXH vẫn sống và sinh sản trong các vật chứa nước, bình hoa, hòn non bộ…
 
Sốt xuất huyết vẫn còn cao điểm - Ảnh 1.
TS-BS Nguyễn Minh Tuấn đang kiểm tra cho một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM. (Ảnh: ANH THƯ)
 
Theo BS Minh Tiến, có khoảng 90% trẻ mắc bệnh này sẽ bị tương đối nhẹ, sau khi đi khám BS sẽ cho về chăm sóc tại nhà, bệnh khỏi sau vài ngày. Một số ít có nguy cơ bị biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là gặp phải cơn sốc. Phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời (thường vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, ngay cả khi trẻ hết sốt): ói mửa nhiều; đau bụng; bứt rứt, quấy khóc; lừ đừ, li bì, tay chân lạnh - tím, vã mồ hôi; chảy máu mũi, chân răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen; bỏ ăn, bỏ bú; nằm một chỗ, không chơi; than mệt.
 
HCDC cho biết ngoài trường hợp thiếu nữ ở quận 7 tử vong, trong tháng 8 tại một số tỉnh, thành khác cũng ghi nhận có trường hợp tử vong do SXH. HCDC dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh SXH hằng tuần tại TP sẽ tiếp tục tăng. HCDC cảnh báo nếu cộng đồng không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng thì nguy cơ xảy ra các ổ dịch SXH tại TP là rất lớn.
 
Hiện HCDC đang và sẽ tăng cường giám sát các hoạt động phòng chống SXH ở các điểm nguy cơ, trong đó có trường học, bệnh viện…
 
Lưu ý cách chăm sóc
 
Theo TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, dù là căn bệnh quen thuộc, nhưng vẫn có một số sai lầm trong chăm sóc bé tại nhà mà phụ huynh cần lưu ý. Thứ nhất, đó là lầm tưởng con mình vẫn còn ăn uống, sinh hoạt, chơi đùa được, chưa tới mức mệt mỏi, lừ đừ thì… không phải là SXH; dẫn đến khi bệnh trở nặng mới phát hiện và đưa đến BV thì đã nguy hiểm cho bé.
 
Thứ hai, đó là cho bé uống paracetamol hạ sốt quá nhiều hay uống ngay khi mới sốt nhẹ (dưới 39 độ C), dẫn đến chức năng gan bị ảnh hưởng, bệnh có thể nặng hơn. Chỉ nên dùng paracetamol với liều 10-15 mg/kg cân nặng, tối đa 4 lần/ngày, khi sốt 39 độ C trở lên; bên cạnh việc kết hợp các phương pháp hạ sốt an toàn như lau, chườm cho trẻ bằng nước ấm ở trán, cổ, nách, bẹn. Không dùng ibuprofen bởi có thể gây xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày - tá tràng, giảm chức năng tiểu cầu khiến bệnh SXH nặng hơn.
 
Thứ ba, đó là lau, chườm cho bé bằng nước lạnh hay cồn làm bé bị lạnh run, co mạch, da nổi bông tím.
 
Thứ tư là áp dụng các biện pháp dân gian không phù hợp như cắt lể, cạo gió. Các biện pháp này chỉ khiến bé bị xuất huyết nặng hơn.
 
Thứ năm là khi bé đang sốt cao, co giật mà lại cố đè lưỡi, nặn chanh hay đổ thuốc vào miệng bé, có thể dẫn đến kích thích phản xạ hô hấp gây sặc, thậm chí ngưng thở, tử vong. Khi bé bị co giật thì chỉ nên để bé nằm nghiêng trên một mặt phẳng cứng, nếu có đàm nhớt thì hút ra, đợi bé hết co giật thì đưa đến BV.
 
"Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn những thức ăn có màu đỏ, nâu, đen… vì khi bị nôn ói sẽ khó phân biệt được bé có xuất huyết tiêu hóa hay không, khó khăn cho việc theo dõi" - BS Tuấn khuyên.
 
BS Hồng Nga khuyến cáo mọi người dân, khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của BS, nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc có bất cứ bất thường nào, cần đến ngay BV để được xử trí kịp thời.
 
"Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, trẻ sốt đến ngày thứ 2 là phải đưa đi khám ngay không nên chần chừ, cố đoán bệnh, vì đó có thể là dấu hiệu ban đầu của SXH, tay chân miệng và nhiều bệnh nhiễm siêu vi nguy hiểm khác.
 
ANH THƯ - NGUYỄN THẠNH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe