Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Kiếu đang khám và điều trị cho bệnh nhân
Trước đó, ngày 25-8, ông Võ Thanh H. 56 tuổi (Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng cứng hàm, co giật đầu, sau đó co gồng toàn thân, khó thở... Bệnh nhân cho biết, trước đây có đạp đinh ở chân trái, do vết thương nhẹ, nên không chú ý đi tiêm ngừa uốn ván. Sau đó thì bệnh phát nặng.
Sau nhập viện, ông H. được mở khí quản, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở cùng các thuốc an thần, dãn cơ bơm liên tục... Kết quả, hơn 1 tháng điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, hết co giật, tự thở tốt, ăn uống được.
Đây là cas uốn ván rất nặng đầu tiên Khoa Hồi sức bệnh viện điều trị thành công dưới sự hỗ trợ của các y, bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới (TP. Hồ Chí Minh).
Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Kiếu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cho biết, uốn ván là loại bệnh cấp tính, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 2 tháng, trung bình từ 7-8 ngày. Bệnh do độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra đặc trưng bởi các cơn co giật trên nền tăng trương lực cơ. Khi đã lên cơn co giật, co cứng cơ thì cơ hội sống sót rất thấp, do ngưng hô hấp, sau đó ngừng tuần hoàn và tử vong.
Trước đây, tỷ lệ tử vong do bị uốn ván ở An Giang là 100%, nên khi có cas nghi ngờ uốn ván, các bác sĩ đều chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới (TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, do đường xa, phải mất 3-4 giờ, nên khi đến nơi tỷ lệ sống sót của người bệnh không cao.
Đầu năm 2020, Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh đã tập huấn điều trị bệnh uốn ván cho y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, nên việc điều trị bệnh này đã có bước cải tiến, hiệu quả hơn.
HẠNH CHÂU - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)