Miễn viện phí toàn dân: An sinh đúng nghĩa

Thứ năm, 10 Tháng 4 2025 17:34 (GMT+7)
Người dân kỳ vọng trong tương lai gần, việc khám chữa bệnh không còn là gánh nặng tài chính, tiến tới một chính sách an sinh đúng nghĩa
 
Mới đây, trong một phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng định hướng chú trọng phát triển ngành y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và tiến tới miễn viện phí toàn dân. Thông tin này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, ví như "dòng nước mát giải tỏa cơn khát" cộng đồng.
 
Ưu tiên trước cho nhóm người yếu thế
Nhiều ý kiến đánh giá đây là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt ý nghĩa đối với nhóm người yếu thế. Bà Lê Thị Thu Hằng (75 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ: "Khi đọc được thông tin tiến tới miễn viện phí, tôi thực sự xúc động và mong chính sách này sớm trở thành hiện thực. Dù BHYT hiện nay đã hỗ trợ phần nào nhưng với những gia đình có người mắc bệnh nặng, hiểm nghèo thì chi phí điều trị vẫn là gánh nặng rất lớn".
 
Bày tỏ niềm vui, anh Vũ Văn Công (34 tuổi, ở Ninh Bình) cho rằng chủ trương này rất tuyệt vời nhưng nên ưu tiên miễn phí cho các nhóm yếu thế trước như người già, trẻ em, người có công, người nghèo... Đồng thời, hỗ trợ toàn bộ chi phí thẻ BHYT cho các đối tượng như học sinh - sinh viên, người cận nghèo.
 
Nhiều người dân bày tỏ mong muốn việc miễn viện phí toàn dân sớm được thực hiện Ảnh: NGỌC DUNG
Nhiều người dân bày tỏ mong muốn việc miễn viện phí toàn dân sớm được thực hiện Ảnh: NGỌC DUNG
 
Đang điều trị bệnh ung thư vú, chị Hồng Ngọc (23 tuổi, ở Kiên Giang) cũng không giấu được nỗi niềm và sự kỳ vọng: "Miễn phí điều trị là điều rất cần thiết, đặc biệt với những bệnh nhân ung thư, bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài".
 
Nhiều mong mỏi nếu người dân được học tập, khám chữa bệnh mà không lo chi phí thì đó là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng trước mắt nên để BHYT chi trả toàn bộ viện phí cho người đã tham gia, dù có thể điều chỉnh mức phí đóng cho phù hợp. Quan trọng là bảo đảm đầy đủ thuốc men, thiết bị, tránh tình trạng bệnh nhân phải tự mua ngoài không đáng có.
 
Cơ hội nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe
Theo các bác sĩ, chính sách miễn viện phí cho toàn dân sẽ là cơ hội để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ không hề dễ dàng, vì liên quan đến các yếu tố tài chính, cơ sở vật chất và nhu cầu khác nhau giữa các khu vực.
 
Do đó, để thực hiện thành công, cần phải có những giải pháp cụ thể và sự chuẩn bị chu đáo từ các bệnh viện và các cơ quan chức năng. Việc triển khai chính sách này sẽ cần một lộ trình rõ ràng, sự đồng thuận từ các bộ, ngành và đặc biệt là sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn tài chính. Hơn nữa, các bệnh viện sẽ cần một cơ chế tài chính bền vững để có thể duy trì chất lượng dịch vụ y tế mà không gặp phải những khó khăn lớn.
 
Theo BS Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân dân y Miền Đông (TP HCM), để thực hiện cần có các văn bản hướng dẫn chi tiết và phải triển khai một cách bài bản. Điều quan trọng là chính sách phải bảo đảm tính đồng nhất trong hệ thống y tế, không thể để mỗi bệnh viện thực hiện theo cách riêng. Việc miễn viện phí toàn dân có thể được thực hiện thông qua BHYT toàn dân. Hiện nay, BHYT đã giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân khi khám chữa bệnh. Nếu mỗi người dân đều có thẻ bảo hiểm thì có thể tiếp cận được dịch vụ y tế mà không cần phải lo lắng về chi phí.
 
Tuy nhiên, việc miễn viện phí hoàn toàn sẽ đặt ra vấn đề về nguồn thu cho các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện công. Hiện nay, nhiều bệnh viện đã tự chủ tài chính và có nguồn thu từ các dịch vụ khám chữa bệnh. Nếu mọi dịch vụ đều miễn phí, bệnh viện sẽ không còn nguồn thu để duy trì hoạt động, đầu tư vào cơ sở vật chất, máy móc và trang thiết bị y tế. Điều này sẽ là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có các biện pháp bảo đảm sự tự chủ tài chính của các bệnh viện trong bối cảnh miễn viện phí.
 
Bác sĩ Hùng cũng cho rằng nếu miễn phí hoàn toàn, người dân sẽ có nhu cầu sử dụng các dịch vụ tốt hơn, ví dụ như lựa chọn thuốc và vật tư y tế chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, không thể bảo đảm rằng tất cả bệnh viện đều có thể cung cấp dịch vụ cao cấp như vậy. Do đó, cần có sự phân biệt giữa các dịch vụ cơ bản và dịch vụ cao cấp để bệnh nhân có thể lựa chọn và chi trả thêm nếu muốn sử dụng dịch vụ vượt trội.
 
"Miễn viện phí sẽ phức tạp hơn so với miễn học phí, vì bệnh viện không chỉ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản mà còn liên quan đến các yếu tố như thuốc, vật tư tiêu hao và các dịch vụ đặc biệt khác. Chính vì vậy, để thực hiện thành công, cần phải có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng thời các bệnh viện cần có sự linh hoạt trong việc cung cấp dịch vụ cho những đối tượng có nhu cầu cao" - BS Hùng góp ý kiến.
 
Hai trụ cột bền vững
 
Nhiều chuyên gia đánh giá cao miễn viện phí là chủ trương mang tính đột phá. Đây là gợi mở để các cơ quan chức năng xây dựng lộ trình triển khai phù hợp.
 
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Tổng Bí thư từng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của an sinh xã hội - đặc biệt là giáo dục và y tế - như 2 trụ cột phát triển bền vững.
 
"Cá nhân tôi và các bác sĩ từng được nghe Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn có thể chăm sóc và quản lý sức khỏe cho người dân từ khi còn trong bào thai. Mỗi người dân cần có hồ sơ điện tử từ sớm để theo dõi toàn diện quá trình thai nghén, sinh trưởng và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, quản lý sức khỏe suốt vòng đời. Tổng Bí thư cũng từng mong muốn mỗi người dân - dù ở vùng sâu, vùng xa hay thành thị - đều được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm. Đây là mong muốn nhân văn, hoàn toàn khả thi nếu đi kèm với sự phát triển kinh tế bền vững và chính sách phân bổ ngân sách hợp lý" - PGS-TS Đào Xuân Cơ nói.
 
Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, thời gian gần đây, Tổng Bí thư đã đưa ra nhiều quyết sách mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường phúc lợi xã hội. Việc miễn phí cả giáo dục và y tế - 2 trụ cột quan trọng bậc nhất của đời sống - sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ cơ bản một cách công bằng, không bị rào cản bởi chi phí.
Khi người dân khỏe mạnh và được học hành đầy đủ, họ sẽ có điều kiện phát triển toàn diện hơn, từ đó đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước. Đây chính là cách để xây dựng một xã hội bền vững, lấy con người làm trung tâm - vừa là nền tảng vừa là mục tiêu và cũng là động lực của sự phát triển. "Trên thế giới hiện chỉ có một số quốc gia Bắc Âu và nước có nền kinh tế phát triển miễn toàn bộ học phí và viện phí. Nếu Việt Nam có thể hiện thực hóa chính sách ưu việt này, đó sẽ là minh chứng rõ ràng cho sự ưu tiên tuyệt đối của Đảng và Nhà nước đối với con người - nền tảng của mọi chính sách phát triển bền vững" - PGS-TS Đào Xuân Cơ nói.
 
Các chuyên gia nhấn mạnh để hiện thực hóa chủ trương này, cần có lộ trình rõ ràng, cơ chế quản lý hiệu quả và tính toán kỹ lưỡng về nguồn lực. Bởi chi phí y tế lại rất đa dạng và khó kiểm soát. Không có quốc gia nào có thể bảo đảm hoàn toàn chi trả cho tất cả mọi loại bệnh, thuốc men và dịch vụ y tế, nếu không đi kèm giới hạn và điều kiện. Cần xác định mức hỗ trợ tối đa hoặc quy định rõ danh mục thuốc, dịch vụ y tế được miễn phí (ví dụ: thuốc loại A, dịch vụ loại B). Đồng thời, phải có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh lãng phí, thất thoát và bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
 
"Trước khi tiến tới miễn viện phí toàn dân thì giải pháp khả thi trước mắt là miễn phí cấp thẻ BHYT cho toàn dân, đặc biệt hỗ trợ nhóm yếu thế để giảm gánh nặng chi phí. Đây là chính sách thiết thực nhưng cũng cần đi kèm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và kiểm soát chặt chẽ" - ông Lê Văn Phúc, nguyên Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, nhấn mạnh. 
 
 
Kinh nghiệm thế giới
Ra đời từ năm 1948, Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) là một trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí lâu đời nhất thế giới. Với ngân sách khủng (khoảng 188,5 tỉ bảng Anh cho năm tài chính 2023-2024) đến từ nguồn thuế chung và chương trình bảo hiểm quốc gia, NHS bảo đảm cho mọi công dân Anh quyền tiếp cận miễn phí các dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện, khám bác sĩ, tư vấn y tế, chăm sóc thai sản, dịch vụ sức khỏe tâm thần, một số thuốc...
 
Tương tự, Pháp cũng điều hành hệ thống BHYT theo luật định (SHI), vận hành nhờ khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động ngày càng tăng thông qua các loại thuế được phân bổ trên nhiều nguồn thu khác nhau. Nhờ đó, công dân Pháp và cả thường trú nhân được cung cấp miễn phí các dịch vụ như chăm sóc tại bệnh viện, khám bệnh và thuốc theo toa.
 
Đan Mạch, quốc gia nổi tiếng với chi tiêu khủng cho y tế - khoảng 10,8% GDP theo số liệu năm 2021 từ Đài quan sát châu Âu về hệ thống và chính sách y tế - cũng sở hữu một hệ thống y tế quốc gia chủ yếu được cấp ngân sách bằng nguồn thuế và chia thành 3 cấp hành chính: tiểu bang, khu vực và thành phố. Tất cả cư dân Đan Mạch - khoảng 5,9 triệu người - đã đăng ký đều có quyền được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do nhà nước tài trợ, phần lớn là miễn phí.
 
Tuy nhiên, việc xây dựng những hệ thống như vậy cũng đối diện với nhiều thách thức. Một quốc gia phát triển khác là Mỹ cũng đã từng tính đến một hệ thống tương tự nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được. Một bài phân tích từ Đại học bang Michigan chỉ ra một số nguyên nhân chính, bao gồm mức thuế của Pháp hay Đan Mạch vốn cao hơn nhiều so với các tiểu bang lớn của Mỹ, vì vậy dịch vụ công mà họ nhận được cũng nhiều hơn.
Anh Thư
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe