Theo ông Santosm, Colombia hy vọng sẽ nhận được 13 phiếu cần thiết trong cuộc họp tại TP New York – Mỹ sau khi chính phủ Colombia cáo buộc Venezuela chứa chấp những kẻ khủng bố.
Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm mất sự công nhận về mặt ngoại giao, tẩy chay kinh tế hoặc thậm chí là hành động quân sự đối với Venezuela.
Nhiều quốc gia tham dự cuộc họp trước đó rút lại sự ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, thay vào đó chuyển sang thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido. Tuy nhiên, cho đến nay, nỗ lực buộc ông Maduro ra đi vẫn chưa đạt được kết quả.
Đại sứ Colombia tại Mỹ Francisco Santos. Ảnh: Miami News
Venezuela đã rút khỏi Hiệp ước Rio 70 năm tuổi nhưng các thành viên của hiệp ước chấp nhận yêu cầu tái gia nhập do ông Guaido đề xuất. Hiệp ước này quy định bất kỳ mối đe dọa nào đối với một thành viên cũng được xem là mối đe dọa chung đối với tất cả thành viên còn lại.
Trong bối cảnh bị gây áp lực, chính quyền của ông Maduro hôm 18-9 kêu gọi Mỹ khôi phục quan hệ ngoại giao với Venezuela sau khi Caracas mở các cuộc đàm phán với các đảng đối lập.
Venezuela cắt đứt quan hệ với Mỹ kể từ thời điểm Washington công nhận ông Guaido là "tổng thống lâm thời" vào ngày 23-1 năm nay.
Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez cho rằng việc Mỹ khôi phục quan hệ ngoại giao và đối thoại với chính phủ Venezuela được xem là một điều có ý nghĩa. Bà Rodriguez cũng hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa chính phủ và các đảng đối lập thiểu số, theo đó tiến hành thảo luận về những thay đổi chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela.
Mỹ đã nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela bằng một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế. Washington đổ lỗi cho ông Maduro khiến nền kinh tế Venezuela trì trệ, làm hàng triệu người dân phải sơ tán vì thiếu nhu yếu phẩm.
Hồi tháng trước, cả ông Maduro và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đều xác nhận hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán để tìm giải pháp cho khủng hoảng.
Thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido. Ảnh: AP