Mỹ - Trung tìm kiếm thỏa thuận thương mại

Thứ sáu, 20 Tháng 9 2019 10:30 (GMT+7)
Ngay cả khi các cuộc hội đàm sắp tới có thể dẫn đến một thỏa thuận thương mại tạm thời, phải mất nhiều năm để Mỹ - Trung tìm được giải pháp chấm dứt thương chiến

Các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc hôm 19-9 có cuộc gặp đầu tiên tại thủ đô Washington sau gần 2 tháng trong nỗ lực thu hẹp các khác biệt sâu sắc và tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại đang kéo dài. Phái đoàn Trung Quốc khoảng 30 người, do Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Liao Min dẫn đầu. Dẫn đầu phái đoàn nước chủ nhà là Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish.

Mục tiêu của cuộc gặp kéo dài 2 ngày 19 và 20-9 nói trên là đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán cấp cao hơn dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10 tới. Một nguồn tin cho hãng tin Reuters biết các cuộc thảo luận lần này nhiều khả năng tập trung vào nông nghiệp, gồm việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua nhiều đậu nành và các nông sản khác từ Mỹ. 

Ngoài ra, cuộc gặp còn thảo luận về các thay đổi cốt lõi nhằm tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ Mỹ và chấm dứt chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, người sẽ cùng với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tham gia cuộc hội đàm vào tháng 10 với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, từng cho biết các vấn đề tiền tệ sẽ là một trọng tâm của các vòng đàm phán mới.

Mỹ - Trung tìm kiếm thỏa thuận thương mại - Ảnh 1.

Một nội dung của cuộc gặp Mỹ - Trung trong 2 ngày 19 và 20-9 là yêu cầu Trung Quốc mua nhiều đậu nành và các nông sản khác từ MỹẢnh: Reuters

Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng trước vòng đàm phán mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dời thời điểm tăng thuế lên 250 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1-10 đến ngày 15-10. Trong khi đó, Trung Quốc cũng hoãn thuế lên một số sản phẩm Mỹ trong lúc tìm kiếm sự nới lỏng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tập đoàn Viễn thông Huawei.

Một số chuyên gia thương mại nhận định ngay cả khi các cuộc hội đàm sắp tới có thể dẫn đến một thỏa thuận thương mại tạm thời, phải mất nhiều năm để Mỹ - Trung tìm được giải pháp chấm dứt thương chiến. Ông Jon Lieber, chuyên gia cấp cao về thuế ở Công ty Kiểm toán PwC (Anh), cho rằng một "thỏa thuận rất hẹp" có thể đạt được vào tháng 10 nhưng điều này cũng không giúp giải quyết được các bất đồng cơ bản của hai nước. Theo ông Lieber, để duy trì sự ổn định của thị trường, hai nền kinh tế đứng đầu thế giới phải tiếp tục đàm phán trong thời gian dài nữa.

Trong khi đó, bà Chen Wenling, kinh tế gia trưởng thuộc Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, cho rằng để mở đường cho một thỏa thuận thương mại tạm thời vào tháng tới, Mỹ cần tiếp tục dời thời hạn tăng thuế quan lên 300 tỉ USD hàng Trung Quốc đến sau ngày 15-10. "Mỹ nên bỏ các đòn trừng phạt thuế quan và không nên áp thêm bất kỳ mức thuế mới nào nữa" - bà Chen nhận định. 

Chuyên gia này cũng tin rằng Trung Quốc không cần thiết phải có sự nhượng bộ đáng kể nào khác ngoài cam kết mua nông sản Mỹ vì Bắc Kinh đang "chiếm ưu thế" trong cuộc chiến thương mại. Dù vậy, bà Chen tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng hai nước đạt được thỏa thuận toàn diện.

Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), thương chiến Mỹ - Trung có khả năng tiếp tục kéo dài, một phần bởi hai nước đang đối mặt viễn cảnh cuộc chiến công nghệ còn leo thang và cạnh tranh quân sự toàn diện không còn xa. 

Đối với Mỹ, cuộc chiến công nghệ đang trở thành công cụ quan trọng hơn trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, một thỏa thuận thương mại không gồm cả lĩnh vực công nghệ sẽ không có nhiều giá trị đối với Bắc Kinh. Trong trường hợp Trung Quốc không thể cam kết tiến hành các cải cách cơ cấu và Mỹ không thể cam kết hạ nhiệt cuộc chiến công nghệ, bất kỳ thỏa hiệp nào cũng sẽ bị hạn chế về quy mô. n

Xuân Mai - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới