Khói bốc lên sau các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn Ras al-Ain. Ảnh: Getty Images
Chính quyền Trump đang bị tố “phản bội” sau quyết định rút quân Mỹ khỏi vùng Đông Bắc Syria ngay trước thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ mở đợt tấn công nhằm vào Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG)-đối tác chính của Washington trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Không chỉ dấy lên phản đối trong nội bộ nước Mỹ, niềm tin vào siêu cường quân sự cũng đang bị lung lay khi nhiều quốc gia đồng minh bao gồm Israel bắt đầu hoài nghi giá trị cam kết của Washington.
Trước áp lực ngày càng tăng, Tổng thống Trump hôm 10-10 buộc phải lên tiếng về những giải pháp xử lý hành động leo thang của Thổ Nhĩ Kỳ sau các báo cáo thương vong nghiêm trọng ở miền Bắc Syria. Theo Ủy ban Cứu trợ Quốc tế, gần 64.000 người Syria đã phải di tản kể từ khi pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ mở đường cho cuộc tấn công toàn diện trên mặt đất. Giữa tình hình này, Tổng thống Trump cho biết Washington có thể chọn tiếp tục triển khai hàng ngàn binh sĩ và giành chiến thắng quân sự hoặc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng cấm vận. Nhưng nếu được, chủ nhân Nhà Trắng hy vọng có thể đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Ankara và người Kurd.
Trước đó, Guardian cho biết các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã cảnh báo về “lằn ranh đỏ” đối với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Phe Bảo thủ tại Hạ viện Mỹ mới đây còn công bố dự luật trừng phạt Ankara liên quan các đợt tấn công “dã man” nhắm vào “đồng minh người Kurd của Washington”. Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Liz Cheney nhấn mạnh, người Thổ muốn được đối xử như một đồng minh thì trước hết phải hành xử tương xứng với vai trò này. Ngoài chiến dịch ở Syria, bà Cheney cho biết Quốc hội Mỹ lâu nay vẫn quan ngại quan hệ hợp tác giữa chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với các đối thủ của Mỹ, chẳng hạn như Nga.
Theo sau cảnh báo của đảng Cộng hòa, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ áp trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ có bất kỳ hành động “phi nhân tính” và “bất công” đối với dân thường. Góp thêm lửa chỉ trích, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft sau cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an đã lên tiếng răn đe Ankara về “hậu quả nghiêm trọng” nếu không tuân thủ cam kết bảo vệ dân thường hoặc để các tay súng IS lợi dụng thời cơ đào thoát.
Trước những tín hiệu cứng rắn từ Washington, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này không ngại trả đũa nếu Mỹ áp đặt trừng phạt. Tổng thống Edorgan trước đó cũng cảnh báo sẽ “mở cửa” cho 3,6 triệu người tị nạn Syria tràn vào phương Tây sau khi Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng can ngăn chiến dịch quân sự của Ankara. Với những diễn biến hiện nay, AP cho rằng người Thổ sẽ không sớm thay đổi quan điểm, rằng các cuộc tấn công xuyên biên giới là cần thiết cho an ninh quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng nước này đã tiêu diệt 228 “phần tử khủng bố” sau các cuộc tấn công nhằm vào kho vũ khí, đường hầm và căn cứ quân sự của người Kurd.
Lựa chọn nào cho người Kurd?
Trước các cuộc tấn công dồn dập của Thổ Nhĩ Kỳ, giới phân tích cho rằng người Kurd ngoài cầm cự chống trả có thể cậy nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đồng minh của Damascus gồm Nga và Iran. Nhưng điều này đồng nghĩa họ sẽ từ bỏ quyền tự trị đối với 30% lãnh thổ Syria. Dẫn lời một nhân vật cấp cao của người Kurd, AP cho biết lực lượng này vẫn đang hy vọng Lầu Năm Góc giúp xoay chuyển tình thế hiện nay. Để như vậy, các nhà phân tích cho biết YPG có thể phải nhượng bộ nhiều hơn trong thỏa thuận với Mỹ nhằm xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ.