Chiến trường Online ở Afghanistan

Chủ nhật, 20 Tháng 10 2019 06:27 (GMT+7)
Mạng xã hội đang tạo ra một mặt trận khác cho cuộc chiến không hồi kết giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban.

Đầu những năm 2000, cuộc chiến tại Afghanistan chủ yếu diễn ra ở các vùng nông thôn. Nhưng gần đây, hai bên bắt đầu dùng truyền thông xã hội để chiếm ưu thế. Chẳng hạn trong đoạn video được tung lên mạng hồi đầu năm nay, các tay súng Taliban chĩa súng vào một thẩm phán địa phương và hỏi: Bên nào là hợp pháp, Taliban hay chính phủ? Khi thẩm phán nói “Tôi chỉ phục vụ nhân dân”, chúng bóp cò. Còn trong đoạn video khác, lực lượng an ninh Afghanistan sau khi bắt giữ một người đàn ông tại chiến trường đã yêu cầu ông này nói sự thật mình là ai. Khi ông ta trả lời mình là người chăn cừu, thế là họ nổ súng. 

Những hình ảnh xử bắn như thế này thường xuyên được Taliban đăng tải lên mạng. 

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 90% hộ gia đình ở Afghanistan có ít nhất một điện thoại di động và khoảng 40% có  truy cập Internet. Do đó, Chính phủ Afghanistan và Taliban tranh nhau dùng mạng xã hội để giành được sự tin tưởng của người dân. Ví dụ, Taliban vào cuối tháng 8 đã tấn công thành phố Kunduz. Khi đó, các tài khoản mạng xã hội của lực lượng này đã đăng tải các đoạn video cho thấy lực lượng an ninh Afghanistan buông súng đầu hàng. Đáp lại, chính phủ tung ra các đoạn video cho thấy lực lượng đặc nhiệm Afghanistan tràn vào Kunduz và tấn công những nơi ẩn náu của Taliban. Các tài khoản Twitter và Facebook của chính phủ còn công khai số lượng thương vong của phiến quân.

Taliban chiếm ưu thế

Đến nay, Chính phủ Afghanistan đã tạo ra hàng chục kênh truyền thông xã hội và tận dụng chúng để thổi phồng con số thương vong của Taliban cũng như đăng tải các bài viết chống nhóm này. Song, các cơ quan tình báo Afghanistan lại không có các trung tâm truyền thông xã hội nên không giám sát một cách có hệ thống các trang mạng xã hội. Ngược lại, Taliban sở hữu một trung tâm truyền thông xã hội phối hợp. “Taliban hoạt động tích cực trên mạng xã hội và sử dụng nó theo một cách khá tinh vi. Trái lại, Chính phủ Afghanistan lại không tận dụng mạng xã hội theo cách có hệ thống. Tôi tin rằng Taliban đang giành chiến thắng trong cuộc chiến tuyên truyền trên mạng” – Thomas Johnson, giáo sư tại Trường đào tạo sau đại học Hải quân Mỹ, nhận định.

Năm 2011, Taliban bắt đầu sử dụng Twitter, thường xuyên đăng tải các bài viết về hoạt động của chúng, trong đó chủ yếu phóng đại con số thương vong của lực lượng an ninh Afghanistan. Taliban có 2 phát ngôn viên quân sự và họ thường tung các con số thương vong của quân chính phủ lên Twitter bằng 3 thứ tiếng: Pashto, Dari (2 ngôn ngữ chính thức của Afghanistan) và tiếng Anh. Lực lượng này tạo ra nhiều tài khoản mạng xã hội, phát tán cùng một đoạn video hay cùng một bức ảnh để truyền bá một thông điệp duy nhất. Những tài khoản này được liên kết với nhau, được quản lý bởi một người hay một phòng điều phối.

Đánh bom ở đền thờ Hồi giáo
Giới chức Afghanistan cho biết số người thiệt mạng trong vụ nổ bom xảy ra ngày 18-10 tại một đền thờ Hồi giáo ở tỉnh Nangarhar,  miền Đông nước này đã tăng lên ít nhất 62 người, trong khi hơn 100 người khác bị thương. Người phát ngôn của tỉnh trưởng tỉnh Nangarhar cho biết phần mái của đền thờ Hồi giáo trên đã rơi xuống do vụ nổ. Hiện chưa có nhóm phiến quân nào thừa nhận là thủ phạm. 

Trong khi đó, trên Facebook, các tài khoản được kết nối với Taliban thường đăng tải các đoạn video cho thấy lực lượng an ninh Afghanistan bị bao vây, cũng như hình ảnh quân đội nước ngoài tấn công thường dân và săn lùng phụ nữ. Con số thương vong dân sự cũng là công cụ thường xuyên của Taliban trong cuộc chiến trên mạng. Chẳng hạn, trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ và Afghanistan vào một tòa nhà được cho là nơi ẩn náu của các thành viên Taliban và al-Qaeda hồi cuối tháng 9, ngoài việc tiêu diệt hàng chục tay súng Taliban và al-Qaeda, gồm Asim Omar, thủ lĩnh al-Qaeda tại Tiểu lục địa Ấn Độ, cuộc đột kích đã cướp đi sinh mạng của 40 dân thường, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Taliban đã nhanh chóng đăng tải hình ảnh đồ họa về cái chết của họ lên mạng.

Giới phân tích cho rằng chiến trường trực tuyến giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban đang tàn phá xã hội nước này về lâu dài, bởi theo Noorullah Navayee tại Trung tâm  Nghiên cứu Công cộng Quốc gia ở thủ đô Kabul, tác dụng phụ của chiến trường này là bình thường hóa bạo lực và giết chóc, nó lan truyền sự vô vọng, sợ hãi và thù hận trong xã hội.

TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới