Tàu chiến và tham vọng của ông Abe

Thứ bảy, 26 Tháng 10 2019 06:26 (GMT+7)
Quyết định triển khai 2 tàu chiến đến Trung Đông của Nhật Bản để bảo vệ tàu buôn của nước này tại đây một lần nữa cho thấy tham vọng sửa đổi hiến pháp hòa bình của Thủ tướng Shinzo Abe.

2 tàu chiến của SDF trong cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Brunei hồi tháng 6. Ảnh: SCMP

Hiếp pháp do Mỹ áp đặt được Nhật Bản thông qua sau Chiến tranh Thế giới thứ II cấm nước này duy trì quân đội hoặc sử dụng vũ lực ở nước ngoài. Do đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) chỉ bảo vệ thềm lục địa nước này cũng như hỗ trợ cho khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây.

Kyodo News đưa tin, 2 tàu chiến nói trên sẽ được ủy quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ các tàu buôn Nhật Bản. Tuy nhiên,  Tokyo nhấn mạnh sẽ không tham gia vào lực lượng liên minh hải quân mà Mỹ đang gầy dựng với 2 đối tác chính là Anh và Úc để bảo vệ giao thông hàng hải trong khu vực, vốn đóng vai trò quan trọng đối với nguồn cung ứng dầu toàn cầu, trong bối cảnh Iran bị cáo buộc gây ra nhiều vụ tấn công, bao gồm vụ tấn công gần eo biển Hormuz nhằm vào tàu chở dầu do một công ty có trụ sở tại Nhật Bản vận hành hồi tháng 6.

“Nhật Bản muốn cho thấy họ sẵn sàng triển khai tàu để bảo vệ lợi ích của chính mình cũng như muốn xoa dịu Washington rằng họ không phải là một kỵ binh tự do. Đồng thời Tokyo không muốn bị coi là đứng về phe chống Iran vì trong nhiều năm qua nước này đã cố gắng vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với Tehran” - Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Nhật Bản), nhận định.

Trong khi đó, Ra Mason, chuyên gia về chính sách đối ngoại Nhật Bản tại Đại học East Anglia (Anh), cho rằng Thủ tướng Abe muốn SDF được Hiến pháp Nhật công nhận. Kyohei Yamada, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Nhật Bản cũng đồng tình với ông Mason rằng Thủ tướng Abe vẫn nuôi tham vọng thay đổi Hiến pháp Nhật. “Ông ấy cam kết thay đổi Hiến pháp nhưng tôi không nghĩ rằng ông ta có thể sử dụng phương pháp trên như là một công cụ để đạt được điều mình muốn. Viết lại Hiến pháp liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó gồm sự ủng hộ áp đảo của Thượng viện lẫn Hạ viện, điều mà tôi nghĩ khó có thể thành hiện thực” - ông Yamada chia sẻ quan điểm. Theo đó, việc sửa đổi hiến pháp đòi hỏi 2/3 sự ủng hộ ở lưỡng viện quốc hội, tiếp sau đó là một cuộc trưng cầu dân ý với đa số cử tri đồng tình. Thế nhưng, cuộc thăm dò ý kiến mới nhất hôm 6-10 không mang lại kết quả khả thi. Cụ thể, chỉ 37,3% số người được hỏi cho biết ủng hộ thay đổi hiến pháp, trong khi 48,4% chống lại.

Trong gần 7 năm kể từ khi ông Abe lên nắm quyền, Nhật Bản không ngừng tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như CHDCND Triều Tiên. Song, nhiều thống kê cho thấy Thủ tướng Abe đang dần mở rộng phạm vi và sự hiện diện của quân đội Nhật Bản. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu ngân sách quốc phòng kỷ lục, lên tới 5,32 nghìn tỉ yên (tương đương 50,5 tỉ USD) cho năm tài chính tiếp theo. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần tăng thứ 8 liên tiếp về chi tiêu quốc phòng của Tokyo. Không những vậy, Nhật Bản cũng muốn đóng vai trò lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khiến cho Bắc Kinh “không vui” giữa lúc quan hệ hai nước đang ấm dần trở lại.

TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới