Cuộc điều trần chủ yếu xoáy vào vấn đề liệu bà Yovanovitch có phải bị đẩy ra khỏi vị trí đại sứ ở Ukraine vì cản trở các tính toán chính trị của ông Trump hay không.
Trong một loạt dòng trạng thái trên Twitter, ông Trump nhấn mạnh ông có quyền chỉ định và bãi nhiệm một đại sứ. Ông Trump công kích bà Yovanovitch: "Marie Yovanovitch đi tới đâu mọi thứ đều trở nên tệ. Bà ấy tới Somalia, chỗ đó giờ ra sao rồi? Sau bà ấy lại thuyên chuyển sang Ukraine, nơi mà một tân tổng thống đã nói những điều đầy bất lợi cho bà ta trong cuộc điện đàm thứ hai với tôi".
Trong cuộc điều trần công khai chiếu trên truyền hình, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff bất ngờ cắt ngang các câu hỏi chất vấn, đọc to mẩu tweet của ông Trump và hỏi phản ứng của bà Yovanovitch.
Cựu đại sứ Yovanovitch phản pháo: "Tôi nghĩ tôi không đủ quyền lực để làm thay đổi những nơi đó, ở Mogadishu hay cả Somalia và những nơi khác. Tôi nghĩ trong suốt những năm qua, tôi đã cống hiến và làm cho nhiều thứ trở nên tốt hơn, cho cả nước Mỹ và quốc gia mà tôi đã từng đi qua".
Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch trong cuộc điều trần hôm 15-11. Ảnh: REUTERS
Khi được hỏi là những bản tweet với nội dung như vậy sẽ có ảnh hưởng đến nhân chứng và các giới chức Mỹ đang làm việc hay không, bà Yonanovitch xem đó là những lời đầy hàm ý đe dọa.
Trái ngược, ông Trump nói những lập luận của ông trên Twitter không đáng sợ chút nào. Ông Trump nói rằng ông có quyền nêu ý kiến. "Tôi có quyền tự do ngôn luận cũng như những người khác", Tổng thống nói trước báo giới.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff không nghĩ như thế. Ông Adam Schiff cho rằng các dòng tweet của Tổng thống Trump có thể được xếp vào loại đe dọa nhân chứng, điều này có thể sẽ gây khó cho những thành viên đảng Cộng hòa đang tìm cách bảo vệ ông chủ Nhà Trắng.
Bà Marie Yovanovitch bị sa thải vào tháng 5 sau khi chịu nhiều chỉ trích từ Rudy Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc điện đàm 2 tháng sau đó với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, ông Trump đã nêu lên những cáo buộc về việc cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách can thiệp vào cuộc điều tra của một công tố viên Ukraine về con trai ông là Hunter Biden.
Một trợ lý ngoại giao Mỹ nói trong cuộc điều tra luận tội rằng ông tình cờ nghe được một cuộc gọi điện thoại giữa Tổng thống Trump với đặc phái viên Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland, trong đó có ý rằng các cuộc điều tra nhà Bidens đã được thảo luận. David Holmes, cố vấn chính trị tại đại sứ quán ở Kyiv, cũng xuất hiện trước Ủy ban Tình báo Hạ viện trong phiên điều trần kín hôm 15-11.
Cựu đại sứ Yovanovitch giữa vòng vây phóng viên ngày 15-11. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Cựu đại sứ Yovanovitch khẳng định chính quyền Trump đã có âm mưu loại trừ bà ngay từ mùa hè năm 2018. Ảnh: AP
Cựu đại sứ Yovanovitch chuẩn bị cho cuộc điều trần ngày 15-11. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff (phải) trong cuộc điều trần công khai ngày 15-11. Ảnh: PBS.ORG
H.Bình (Theo BBC) - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)