Thẩm phán trả giá vì muốn “bêu thi thể” cựu tổng thống Pakistan

Thứ bảy, 21 Tháng 12 2019 12:46 (GMT+7)
Pakistan dự kiến sa thải một thẩm phán trước đó yêu cầu treo thi thể cựu Tổng thống Pervez Musharraf công khai 3 ngày.
Hôm 19-12, nhà chức trách Pakistan xác nhận thẩm phán Waqar Ahmad Seth sẽ bị sa thải vì đề nghị treo thi thể cựu Tổng thống Musharraf nếu ông chết trước khi bị bắt.
 
Người phát ngôn quân đội Pakistan, Thiếu tướng Asif Ghafoor, cho rằng yêu cầu của thẩm phán Seth trong lúc tuyên án ông Musharraf là "chống lại các giá trị nhân quyền". Bộ trưởng Pháp luật và Tư pháp Pakistan cho biết họ đang tìm cách sa thải thẩm phán Seth thông qua Hội đồng Tư pháp Tối cao.
 
Theo AP, ông Musharraf bị kết án tử hình vắng mặt hôm 17-12 về tội danh "phản quốc", liên quan đến tình trạng khẩn cấp mà ông ban bố năm 2007 khi còn nắm quyền. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một cựu lãnh đạo quân đội và tổng thống lãnh án tử hình ở Pakistan.
Thẩm phán trả giá vì muốn “bêu thi thể” cựu tổng thống Pakistan - Ảnh 1.
Thẩm phán Waqar Ahmad Seth. Ảnh: Pakistan Today
Ông Musharraf rời khỏi đất nước từ năm 2016 sau khi được phép tại ngoại để điều trị y tế ở nước ngoài. Do đang sống ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và được cho là rất ốm yếu nên ông Musharraf không đủ khả năng trở về Pakistan để dự phiên tòa trực tiếp. Pakistan và UAE không có hiệp ước dẫn độ. Thêm vào đó, nhà chức trách nước này cũng không thể bắt giữ ông Musharraf. Tuy nhiên, nếu trở về nước, ông Musharraf có quyền kháng cáo.
 
Người phát ngôn Liên đoàn Hồi giáo Toàn Pakistan đối lập, Mehrene Malik Adam, tuyên bố những người ủng hộ họ đã biểu tình trên khắp đất nước nhằm phản đối bản án tử hình dành cho ông Musharraf.
Năm 2007, ông Musharraf ban bố tình trạng khẩn cấp trong một cuộc thanh trừng khét tiếng. Một số thẩm phán chủ chốt bị quản thúc tại thủ đô Islamabad và các nơi khác ở Pakistan. Ông Musharraf lên nắm quyền sau khi cựu Thủ tướng Nawaz Sharif bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1999. Trở lại văn phòng, ông Sharif cáo buộc ông Musharraf "phản quốc" vào năm 2013 và ông Musharraf chính thức bị buộc tội vào năm 2014.
 
Phạm Nghĩa (Theo AP)(nld.com.vn)
T/h: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới