Indonesia nỗ lực "phá mây" để ngăn mưa ở Jakarta

Thứ bảy, 04 Tháng 1 2020 07:54 (GMT+7)
Nhà chức trách Indonesia ngày 3-1 dự kiến cho tiến hành biện pháp phá mây trong nỗ lực ngăn mưa rơi thêm ở thủ đô Jakarta sau các trận mưa lớn kỷ lục gây lũ quét chết chóc, khiến 43 người thiệt mạng
Số người chết ở thủ đô Jakarta và các khu vực lân cận đã tăng lên 43 người hôm 3-1, so với con số 30 đêm hôm trước. Thiên tai cũng khiến hàng chục ngàn người phải đi sơ tán.
 
Lũ lụt xảy ra theo sau các trận mưa lớn vào ngày cuối năm và ngày đầu năm, khiến nhiều khu vực ở Jakarta và các thị trấn gần đó chìm trong biển nước.
 
Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết trận mưa nói trên được xem là lớn nhất kể từ khi việc thống kê bắt đầu vào năm 1866.
 
Indonesia nỗ lực phá mây để ngăn mưa ở Jakarta - Ảnh 1.
Một khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 3-1. Ảnh: Reuters
 
Cũng theo BMKG, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra thời tiết cực đoan. Cơ quan này cũng cảnh báo "thời tiết cực đoan" có thể tiếp tục đến ngày 7-1 trong lúc mưa to sẽ tiếp diễn đến giữa tháng 2.
 
Đối mặt dự báo u ám nói trên, 2 máy bay nhỏ dự kiến được sử dụng cho nỗ lực phá vỡ các đám mây có khả năng gây mưa phía trên eo biển Sunda trong ngày 3-1. Ngoài ra, một máy bay lớn có thể được huy động khi cần.
"Chúng tôi sẽ cho bắn chất sodium chloride về phía mọi đám mây hướng đến khu vực Jakarta rộng lớn và được dự báo có thể gây mưa ở đó. Hy vọng mây sẽ tan trước khi tiến đến nơi đó" - cơ quan công nghệ Indonesia BPPT cho biết.
 
Indonesia nỗ lực phá mây để ngăn mưa ở Jakarta - Ảnh 2.
Hàng chục ngàn người phải đi sơ tán vì mưa lũ. Ảnh: Reuters
 
Truyền hình địa phương hôm 3-1 chiếu cảnh một số khu vực tại Jakarta, thành phố lớn nhất Đông Nam Á, vẫn bị ngập lụt.
 
Trước đó một ngày, nhà chức trách đã sử dụng hàng trăm máy bơm để hút nước ra khỏi các khu dân cư và hạ tầng công, như tuyến đường sắt.
 
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quy trách nhiệm thảm họa trên cho sự trì hoãn các dự án hạ tầng nhằm kiểm soát lũ. Trong số này, dự án xây một kênh đào bị đình trệ từ năm 2017 do những tranh cãi về đất đai.
 
P.Võ - nld.com.vn
T/h: Anh Đức - dongbang.vn
 

Bài viết mới nhất của Thế Giới