Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vừa được Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký kết hôm 15-1 tại Washington, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỉ USD sản phẩm, dịch vụ Mỹ trong 2 năm tới.
Ngoài ra, theo nội dung văn kiện được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố, Trung Quốc sẽ tiến hành những thay đổi cấu trúc liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, thao túng tiền tệ. Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Washington sẽ giám sát dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc và dựa vào dữ liệu xuất khẩu của Mỹ để bảo đảm Bắc Kinh tuân thủ các cam kết của mình.
Trong trường hợp Bắc Kinh không thực thi như cam kết, Washington sẽ trừng phạt bằng việc áp thuế tương xứng với những thiệt hại do hành động vi phạm đó gây ra. Đáng nói là theo văn kiện được cả hai bên thống nhất, nếu Trung Quốc phản đối chế tài này, họ có quyền đơn phương rời khỏi thỏa thuận. Không có quy định nào cho việc kháng cáo hoặc đánh thuế trả đũa.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cho rằng cơ chế thực thi của thỏa thuận giai đoạn 1 là quá đơn giản và đặt ra nguy cơ một trong hai bên sẽ phá hỏng toàn bộ thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng hôm 15-1 Ảnh: EPA-EFE
Trong khi thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng trăm tỉ USD vẫn chưa được dỡ bỏ, Tổng thống Donald Trump cho biết sẵn sàng xóa bỏ thuế nếu hai bên có thể tiến hành thỏa thuận giai đoạn hai. Nhưng vòng đàm phán tiếp theo dường như gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh ông Donald Trump dồn sức cho cuộc bầu cử vào tháng 11 tới và phiên tòa luận tội tại Thượng viện Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói hồi đầu tháng này rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào có thể đạt được cũng phải đợi đến sau cuộc bầu cử.
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), truyền thông Trung Quốc hôm 16-1 đưa tin về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ nhưng cảnh báo vẫn còn những điều không chắc chắn có thể làm tổn hại quan hệ song phương. Hãng tin Tân Hoa Xã cho rằng thỏa thuận giai đoạn 1 cho thấy Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm cách tiếp cận phù hợp hơn để giải quyết những bất đồng, đồng thời cảnh báo thỏa thuận chỉ nên được xem là một khởi đầu tốt để giải quyết tranh chấp lâu dài, phức tạp và khó khăn.
Ông Wang Heng, giáo sư về luật thương mại tại Trường ĐH New South Wales ở Úc, cảnh báo: "Thỏa thuận giai đoạn hai có thể liên quan đến các vấn đề pháp lý trong nước khó khăn hơn như trợ cấp, doanh nghiệp nhà nước và giám sát internet. Do tính chất phức tạp của các cuộc đàm phán, vẫn còn phải xem liệu hai bên có thể đạt được thỏa thuận giai đoạn hai hay không. Nếu các quy tắc cạnh tranh thị trường như trợ cấp không được thỏa thuận, các xung đột về kinh tế và thương mại có thể tiếp tục và ảnh hưởng đến hai nước cũng như nền kinh tế toàn cầu".
Cũng không mấy lạc quan, ông Shen Jianguang, kinh tế gia trưởng tại Công ty Công nghệ tài chính JD Finance (Trung Quốc), cho rằng: "Diễn biến thay đổi liên tục của kinh tế và thương mại giữa hai nước kể từ năm ngoái cho thấy chúng ta vẫn nên cảnh giác với khả năng xảy ra xung đột thương mại trong tương lai. Dù cho thỏa thuận thương mại đạt được trong thời gian ngắn thì những thiệt hại do thuế gây ra cũng khó phục hồi. Chúng ta cần chuẩn bị toàn diện cho sự phức tạp của mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ và cuộc tranh chấp kéo dài".
Xuân Mai - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)