Một nhân viên y tế viết tên của đồng nghiệp lên áo bảo hộ tại một bệnh viện ở Vũ Hán ngày 24/1. (Ảnh: AP)
Trong cuộc họp báo tại Washington ngày 28/1 về phản ứng của Mỹ đối với dịch viêm phổi do virus corona mới gây ra, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho biết bộ này đang chờ câu trả lời từ chính phủ Trung Quốc sau khi Washington đề xuất với Bắc Kinh về việc thành lập một nhóm làm việc song phương, hoặc cho phép nhóm chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tới Trung Quốc để đối phó với dịch bệnh. Các chuyên gia này đều đang hoạt động dưới sự ủy quyền của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo Bộ trưởng Azar, ông đã đích thân gửi lời đề nghị tới Trung Quốc.
“Chúng tôi hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ chấp nhận đề xuất của chúng tôi khi các chuyên gia CDC đã sẵn sàng và có thể ngay lập tức lên đường tới Trung Quốc trên cơ sở (phối hợp) song phương hoặc dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới”, Bộ trưởng Y tế Mỹ cho biết thêm.
Liên quan tới thông tin về việc lây lan dịch bệnh, Giám đốc CDC Robert Redfield cho biết cơ quan này đang tập trung tìm kiếm dữ liệu về những trường hợp bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với những người không có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh. Điều này sẽ cho phép hiểu rõ hơn về cách dịch bệnh lây lan và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.
“Trung Quốc đã ghi nhận bằng chứng về việc lây lan trong giai đoạn chưa có triệu chứng phát bệnh, dựa trên dữ liệu mà họ đã thu thập. Tuy nhiên, CDC vẫn chưa có cơ hội xem xét những dữ liệu này. Trung Quốc tin rằng họ có dữ liệu đó, vì thế chúng tôi hy vọng có thể được tham gia trực tiếp tại Trung Quốc để có thể xem xét các dữ liệu”, Giám đốc CDC cho biết thêm.
Theo Anthony Fauci, giám đốc Viện Dịch bệnh Lây nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ, việc trực tiếp làm việc tại các khu vực có ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc sẽ giúp CDC đẩy mạnh quá trình phát triển các phương pháp điều trị bệnh cũng như vắc xin chống virus corona mới.
“Hiện chưa có phương pháp điều trị được xác nhận cho lây nhiễm virus corona”, ông Fauci cho biết.
Cũng theo ông Fauci, Mỹ đã bắt đầu phối hợp với các đối tác để phát triển vắc xin chống virus corona. Tuy nhiên, quy trình này sẽ mất 3 tháng để khởi động giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, thêm 3 tháng tiếp theo để thu thập dữ liệu, trước khi chuyển sang giai đoạn thứ hai.
Chuyên gia về dịch bệnh lây nhiễm của Hong Kong, Giáo sư Yuen Kwok-yung, ngày 28/1 cho biết các nhà nghiên cứu tại đặc khu này đã phát triển một loại vắc xin chống virus corona, nhưng vẫn cần thời gian để thử nghiệm. Trong khi đó, các nhà khoa học tại Trung Quốc đại lục và Mỹ cũng đang “chạy đua” để sản xuất vắc xin.
Paul Stoffels, giám đốc khoa học của công ty dược phẩm hàng đầu tại Mỹ Johnson & Johnson, cho biết công ty của ông cũng đang phát triển một loại vắc xin chống virus corona.
“Chúng tôi sẽ tận dụng công nghệ từng được sử dụng để phát triển và sản xuất vắc xin Ebola của Johnson & Johnson. Vắc xin này đang được triển khai tại Congo và Rwanda. Đây cũng là công nghệ được sử dụng để chế tạo vắc xin thử nghiệm cho virus Zika và HIV”, ông Stoffels nói.
Tổng thống Donald Trump ngày 27/1 cho biết Mỹ đã đề nghị “hỗ trợ Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình mọi biện pháp cần thiết”. Ông Trump tin rằng các chuyên gia của Mỹ rất giỏi và có thể giúp đối phó dịch bệnh.