Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa, hàng đầu) cùng giới lãnh đạo châu Phi tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi. Ảnh: NYT
Trong những tháng gần đây, gần 200 binh sĩ Nga được lặng lẽ triển khai đến Mozambique nhằm giúp các lực lượng an ninh địa phương chống lại nhánh tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hoạt động ở nước này. Nhận định về động thái trên của Nga, chuẩn đô đốc Mỹ Heidi Berg, giám đốc tình báo tại Bộ tư lệnh châu Phi (Africom) cho biết, sự hiện diện quân sự của Nga ở Mozambique là nhằm tăng cường ảnh hưởng của Nga ở miền Nam châu Phi và cho phép Mát-xcơ-va tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên, gồm khí đốt, than và dầu mỏ.
Sự hiện diện quân sự của Nga tại Mozambique tiếp nối ảnh hưởng ngày càng tăng của Mát-xcơ-va trong lĩnh vực an ninh trên khắp châu Phi. Theo đó, hàng trăm binh sĩ xứ bạch dương thời gian qua đã đến Libya như là một phần trong chiến dịch rộng lớn của Điện Kremlin nhằm giúp cho lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar chiếm ưu thế trong cuộc nội chiến ở Libya.
Viện trợ của EU không mang lại hiệu quả
Tiền viện trợ của Liên minh châu Âu (EU) dành cho sự phát triển ở châu Phi được cho là nhằm mục tiêu ngăn chặn dòng người di cư từ lục địa đen vượt qua Địa Trung Hải đến lục địa già, gây tổn hại chính những nước mà EU dự định giúp đỡ hơn là mang đến lợi ích cho các cộng đồng địa phương. Báo cáo do tổ chức chống nghèo đói Oxfam công bố mới đây cho thấy, 3,9 tỉ euro (khoảng 5,1 tỉ USD) mà EU đổ vào các dự án phát triển ở châu Phi trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 5-2019 phần lớn được tiêu xài mà không có sự giám sát của công chúng, trong đó chủ yếu là phục vụ cho mục đích chính trị.
|
Tại Cộng hòa Trung Phi, chính phủ nước này đã bán quyền khai thác vàng và kim cương để thuê cố vấn quân sự và mua vũ khí từ Nga. 5 quốc gia châu Phi vùng Hạ Sahara gồm Mali, Niger, Chad, Burkina Faso và Mauritania hồi năm 2018 đã kêu gọi Nga giúp quân đội và cơ quan an ninh các nước này chống lại IS và al-Qaeda. Còn hồi tháng 10 năm ngoái, Nga đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi đầu tiên tại thành phố Sochi.
Không những vậy, Mát-xcơ-va còn có kế hoạch xây dựng một quân cảng tại vùng Sừng châu Phi được cho sẽ trở thành căn cứ quân sự thường trực đầu tiên của Nga ở lục địa đen. Nga được cho đang dòm ngó cảng Berbera trên bờ biển Somaliland, nước cộng hòa tự xưng bên trong lãnh thổ Somalia thuộc vịnh Aden. Giới lãnh đạo Nga cũng úp mở kế hoạch xây trung tâm hậu cần hải quân ở Eritrea.
Không chỉ Nga, Trung Quốc từ nhiều năm qua đã tăng cường đầu tư thương mại, xây dựng nhà máy và kết cấu hạ tầng tại châu Phi, trong đó có việc điều hành một bến cảng lớn tại Djibouti. Quân đội Trung Quốc cũng đang để mắt xây dựng một cảng mới ở Senegal dưới danh nghĩa hỗ trợ cho hải quân nước này.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga, Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cân nhắc việc rút hàng trăm binh sĩ ra khỏi Tây Phi để chống lại các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc tại các khu vực gần biên giới – hành động hứng chịu chỉ trích từ các nghị sĩ vốn cho rằng việc cắt giảm lực lượng Mỹ ở châu Phi sẽ chỉ làm lợi cho các đối thủ của Washington. Thượng nghị sĩ James Inhofe, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, trong một tuyên bố gần đây cho rằng bất kỳ kế hoạch rút quân nào của Mỹ khỏi châu Phi đều có thể gây ảnh hưởng tới sứ mệnh của Africom, từ đó sẽ gây tổn hại tới an ninh quốc gia Mỹ.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)