Tính đến ngày 24-3, nước Đức mới có 123 trường hợp tử vong trong số 29.056 ca nhiễm. Như vậy, tỉ lệ tử vong vì Covid-19 tại quốc gia này chỉ vào khoảng 0,4%. Trong khi đó, con số này tại Ý là 63.927 ca nhiễm và 6.077 trường hợp tử vong, tức tỉ lệ tử vong khoảng 9,5%.
Một số chuyên gia ở Đức cho rằng các con số thống kê nói trên chỉ mang tính sơ bộ và có thể khiến người ta hiểu sai về cuộc khủng hoảng.
Chẳng hạn như tại Đức, những người lớn tuổi sau khi qua đời không nhất thiết được xét nghiệm virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2). Trong khi đó, có thông tin rằng bất kỳ ai tử vong cũng đều được xét nghiệm với virus này tại Ý.
Tuy nhiên, họ cũng cho rằng có một số yếu tố góp phần giúp nước Đức ghi nhận tỉ lệ tử vong vì Covid-19 thấp cho đến giờ, như hệ thống chăm sóc y tế công cộng phát triển mạnh và có ngân sách dồi dào.
Một trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại TP Munich - Đức hôm 23-3. Ảnh: Reuters
Với dân số 82 triệu người, Đức hiện có khoảng 1.900 bệnh viện. Một lợi thế quan trọng khác là số lượng giường bệnh chăm sóc đặc biệt cao nhất tính theo đầu người ở châu Âu - 29 trên 100.000 cư dân, so với 13 ở Ý, 12 ở Pháp, 10 ở Tây Ban Nha và 7 ở Anh.
Ông Christian Drosten, chuyên gia về virus học tại Bệnh viện Charite ở thủ đô Berlin nhấn mạnh nước Đức đã nhanh chóng nhận ra mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh khi virus mới xuất hiện ở châu Âu, từ đó đi đầu trong vấn đề chẩn đoán và xét nghiệm. Theo ông Drosten, Đức có nhiều phòng thí nghiệm nổi tiếng khắp nước và có thể nhận biết virus.
Nhờ một mạng lưới phòng thí nghiệm độc lập, nước này bắt đầu tiến hành xét nghiệm quy mô lớn vào tháng 1-2020 khi xuất hiện một số ca nhiễm đầu tiên.
Các kết quả xét nghiệm sau đó được chuyển đến các bác sĩ khắp nước để giúp họ theo dõi tốt hơn virus gây bệnh Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2).
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Ý. Ảnh: Reuters
Đức cũng được hưởng lợi từ cảnh báo sớm vào tháng 2 khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở Ý. Điều đó giúp nhà chức trách tăng cường các xét nghiệm quan trọng và chuẩn bị các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong nước. Những quy định giới hạn và sau đó cấm hầu hết cuộc tụ họp ở nơi công cộng nhìn chung được người dân ủng hộ ở Đức.
Cấu trúc các văn phòng y tế công cộng cũng là một nguyên nhân góp phần giúp tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở mức thấp ở Đức. Có hàng trăm văn phòng y tế công cộng trải rộng khắp nước, thực thi nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh, chăm sóc sức khỏe và có thẩm quyền hạn chế hoạt động ở nơi công cộng.
Còn tại Ý, có một số yếu tố giúp lý giải tỉ lệ tử vong cao vì Covid-19. Ông Walter Ricciardi, cố vấn khoa học của Bộ Y tế Ý, chỉ ra 2 vấn đề: Ý có dân số già thứ 2 thế giới và cách các bệnh viện thống kê những trường hợp tử vong.
Theo ông Ricciardi, tuổi trung bình của bệnh nhân Covid-19 nhập viện tại Ý là 67, so với 46 tại Trung Quốc. Trong khi đó, toàn bộ người nhiễm SARS-CoV-2 tử vong tại bệnh viện đều được xem là tử vong vì Covid-19.
Các cỗ quan tài và thi thể nạn nhân của Covid-19 tại TP Mergamo - Ý. Ảnh: EPA-EFE
Tuy nhiên, kết quả đánh giá lại của Viện Y tế Quốc gia Ý cho thấy chỉ có 12% giấy chứng tử của các trường hợp tử vong ghi rõ nguyên nhân gây tử vong trực tiếp là Covid-19.
Theo một số chuyên gia, những yếu tố khác có thể góp phần khiến nhiều người tử vong vì Covid-19 ở Ý là nạn ô nhiễm và tỉ lệ hút thuốc cao.
Phần lớn ca tử vong là ở vùng Lombardy ở miền Bắc Ý, nơi được cho là có chất lượng không khí kém. Một vấn đề khác là hệ thống y tế tại nhiều nơi ở Ý bị quá tải trước sự gia tăng của số ca nhiễm Covid-19
Cao Nguyên(nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)