THƯ TỪ MỸ: Giới trẻ còn thờ ơ giữa mùa dịch

Thứ năm, 26 Tháng 3 2020 19:32 (GMT+7)
Còn một bộ phận giới trẻ Mỹ vẫn khá thờ ơ khi biết thông tin virus SARS-CoV-2 phần lớn chỉ ảnh hưởng đến người lớn tuổi!
Từ khi dịch Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc, tôi và đồng nghiệp là nhân viên điều dưỡng cũng như bác sĩ ở Bệnh viện Northside Hospital, TP Decatur, quận DeKalb, bang Georgia đã theo dõi sát sao thông tin rồi. Cộng đồng người Việt ở đây cũng vậy.
Tuy nhiên, cách đây khoảng gần 2 tháng, còn có không ít đồng nghiệp người Mỹ vẫn khá thờ ơ với dịch bệnh chết người này vì lúc đó truyền thông Mỹ cũng chưa đưa tin nhiều về Covid-19 và virus SARS-CoV-2. Gần đây, tình hình đã căng thẳng hơn. Cuộc sống ở Georgia đã có nhiều thay đổi rõ rệt trong vòng 2 tuần nay.
 
Khi người Mỹ biết đến dịch Covid-19 thì ở chỗ tôi, cửa hàng nào cũng chỉ toàn người và người, thậm chí mới sáng sớm đã không có một chỗ đậu xe. Tranh đấu tìm được chỗ đậu xe thì vào siêu thị không tìm được chiếc xe đẩy nào và mua được 1-2 món thì phải xếp hàng hơn 1 giờ mới được tính tiền.
Tôi không dám chen chúc đi mua đồ vì sợ lây bệnh nên ở nhà cũng chỉ có đủ đồ cơ bản dùng trong khoảng 2 tuần thôi. Khẩu trang, nước rửa tay và giấy vệ sinh bây giờ không thể tìm được ở kệ hàng nào. Ai cũng chuyển sang mua online nhưng Amazon cũng không còn lấy một cuộn!
 
Sau 1 tuần hỗn loạn vì "cuộc chiến giấy vệ sinh" đến nỗi có người đánh nhau và lôi nhau ra tòa thì Costco (nhà cung ứng thực phẩm và các đồ gia dụng rất lớn của Mỹ) vừa ra thông báo nếu ai cần mua giấy vệ sinh phải đến sớm xếp hàng và chỉ có một số lượng nhất định được bán ra mỗi ngày.
THƯ TỪ MỸ: Giới trẻ còn thờ ơ giữa mùa dịch - Ảnh 1.
Giới trẻ Mỹ ăn pizza dọc bờ biển Miami (bang Florida) trong kỳ nghỉ Xuân. Ảnh: REUTERS
Mua hàng đã khó nhưng tôi thấy vẫn chưa khổ bằng những đồng hương gốc Việt đang bị mất việc. Dù sao tôi làm trong ngành chăm sóc sức khỏe nên nguy cơ thất nghiệp khá thấp. Cách đây hơn 1 tuần, phần lớn các tiệm nail đã chính thức đóng cửa ít nhất trong 2 tuần vì Covid-19 và với diễn biến khó lường của dịch hiện nay, chưa biết khi nào các tiệm sẽ mở lại. Nhiều bà con ở chỗ tôi chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm nail hoặc buôn bán các sản phẩm liên quan đến làm nail hoặc làm tóc nên thu nhập của họ chắc chắn sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
 
Ở bệnh viện hiện nay cũng đã hạn chế người ra vào, trừ những ai có phận sự hoặc người thân của bệnh nhân đang nguy kịch nếu muốn vào cần có sự cho phép của quản lý khoa. Căng-tin trong bệnh viện thì bàn ghế đã được để giãn ra cách nhau 6 feet (khoảng 1,8 m) để hạn chế lây nhiễm.
Để hạn chế tình trạng khan hiếm dụng cụ bảo hộ y tế, các y tá khi dùng khẩu trang hoặc đồ bảo hộ phải ghi tên vào danh sách để y tá trưởng theo dõi số lượng tránh thất thoát. Mỗi ngày ở khoa đều có họp để cập nhật tình hình dịch và các thay đổi trong biện pháp phòng dịch nhằm tạo sự thống nhất toàn hệ thống bệnh viện. Bệnh nhân nào bị nghi ngờ có triệu chứng của Covid-19 sẽ được chuyển vào một khoa riêng để tránh lây lan và các bệnh nhân đó được trông coi bởi các y tá có kinh nghiệm của khoa chăm sóc đặc biệt.
 
Tuy vậy, tốc độ lây lan của dịch bệnh vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và hiểu biết của người dân. Phần lớn mọi người bây giờ đã hiểu được có dịch nguy hiểm đang lây lan nhưng còn một bộ phận giới trẻ vẫn khá thờ ơ khi biết thông tin virus SARS-CoV-2 phần lớn chỉ ảnh hưởng nhiều đến người lớn tuổi. 
Trợ cấp 1.200 USD/người
 
Nhà Trắng và lãnh đạo Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận về một gói cứu trợ kinh tế trị giá khoảng 2.000 tỉ USD hôm 25-3 sau nhiều ngày đàm phán.
Dự luật về gói cứu trợ này dự kiến có hiệu lực trong vài ngày tới và là gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Theo hãng tin AP, gói hỗ trợ kinh tế này lớn hơn cả gói cứu trợ tài chính năm 2008 và ngân sách hồi phục kinh tế năm 2009 gộp lại.
 
Thỏa thuận kích thích kinh tế này sẽ chuyển tiền trực tiếp và trợ cấp thất nghiệp cho cá nhân, hỗ trợ các bang và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, gói cứu trợ 2.000 tỉ USD, gồm 500 tỉ USD hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, khoản hỗ trợ bằng tiền mặt trực tiếp lên đến 3.000 USD/hộ cho hàng triệu hộ gia đình ở Mỹ, 350 tỉ USD cho chương trình hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, 250 tỉ USD hỗ trợ người thất nghiệp và khoảng 100 tỉ USD cho các bệnh viện, 150 tỉ USD giúp các chính quyền địa phương ứng phó dịch Covid-19.
 
Gói giải cứu kinh tế chưa từng có sẽ cung cấp khoản thanh toán trực tiếp một lần trị giá khoảng 1.200 USD/người lớn và 500 USD/trẻ em. Tuy nhiên, dự luật này vẫn cần sự phê chuẩn của Thượng viện và Hạ viện trước khi được Tổng thống Donald Trump ký thông qua. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng đây là gói cứu trợ kinh tế rất quan trọng trong việc giúp người lao động và các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ.
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới