Gói kích thích khổng lồ có ngăn kinh tế suy thoái?

Chủ nhật, 29 Tháng 3 2020 16:06 (GMT+7)
Dù chưa có số liệu được công bố, nhưng phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 27-3, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khẳng định nền kinh tế thế giới đã rơi vào suy thoái, đồng thời dự báo đợt suy thoái này sẽ tồi tệ hơn năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
 
Theo bà Georgieva, khi toàn thế giới phải “ngừng khẩn cấp” nhiều hoạt động kinh tế do đại dịch COVID-19 lan rộng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 sẽ suy giảm. Tuy nhiên, khác với sự phục hồi chậm chạp sau năm 2009, bà Georgieva dự báo lần này kinh tế toàn cầu “sẽ phục hồi mạnh mẽ” vào năm 2021 nếu “chúng ta kiềm chế thành công dịch bệnh và giải quyết được các vấn đề về thanh khoản”. Vì vậy, bà kêu gọi các nước phải ứng phó bằng việc chi “thật mạnh tay” để tránh xảy ra hàng loạt vụ phá sản và vỡ nợ ở các thị trường mới nổi.   
 
Tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến mới đây, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua gói cam kết hỗ trợ 5.000 tỉ USD, tương đương số tiền được chi ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Tính đến nay, hãng CNN  ước tính các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang chuẩn bị gói hỗ trợ kinh tế khoảng 7.000 tỉ USD, trong đó gồm các khoản chi tiêu chính phủ, bảo lãnh vay, giảm thuế và các khoản phát hành tiền mới mua trái phiếu hay quỹ chứng khoán của doanh nghiệp. 
 
Gói cứu trợ chưa từng có của Mỹ
 
Đáng chú ý nhất là dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD của Mỹ đã được Tổng thống Donald Trump ký ban hành ngày 27-3. “Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh kinh tế” là gói hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử của Mỹ nhằm hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với sự gián đoạn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo đó, luật này bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết những người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thực phẩm, các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, các quỹ hỗ trợ cho các bệnh viện bị quá tải và những ngành chịu ảnh hưởng lớn. Những cá nhân, công dân Mỹ có thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc những người không có thu nhập hoặc thu nhập từ các chương trình phúc lợi không đánh thuế, sẽ nhận được séc chi trả một lần trị giá 1.200 USD, một cặp vợ chồng được hỗ trợ 2.400 USD, mỗi trẻ em dưới 17 tuổi nhận 500 USD.
 
Người lao động cũng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ mất việc trị giá 250 tỉ USD. Theo đó, thời hạn nhận bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 4 tháng, thay vì 3 tháng như thông thường và người lao động sẽ nhận được 600 USD/tháng. Khoản cứu trợ lớn nhất trị giá 500 tỉ USD dành cho các công ty, tập đoàn quy mô lớn, dưới hình thức các khoản vay, bảo lãnh, đầu tư đặt dưới sự giám sát của Bộ Tài chính Mỹ. Thời hạn không kéo dài quá 5 năm và sẽ không được xóa nợ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ quy mô 350 tỉ USD. Mục đích chính là để ngăn chặn làn sóng sa thải công nhân, đóng cửa doanh nghiệp khi người lao động buộc phải ở nhà do bệnh dịch lây lan. Gói cứu trợ cũng dành khoản kinh phí lên đến 140 tỉ USD cho hệ thống y tế, bao gồm 100 tỉ USD sẽ được bơm trực tiếp cho các bệnh viện, mua sắm máy thở, khẩu trang, thiết bị y tế điều trị bệnh. Số còn lại được dùng mua đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho mọi đối tượng, hỗ trợ hoạt động của Trung tâm kiểm soát bệnh dịch.
 
Trước đó, chính quyền Trump và Quốc hội Mỹ đã thông qua hai gói hỗ trợ kinh tế, gồm 8,3 tỉ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch; và 104 tỉ USD hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã cam kết gói hỗ trợ ban đầu trị giá 700 tỉ USD mua trái phiếu doanh nghiệp và quỹ giao dịch chứng khoán, cùng 300 tỉ USD hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. 
 
Đã có 81 nước đề nghị hỗ trợ khẩn cấp
 
Ngoài Mỹ, Đức đã công bố gói giải cứu trị giá 825 tỉ USD, chủ yếu các khoản cho vay kinh doanh và đầu tư. Chính phủ Anh hỗ trợ 397 tỉ USD cho các khoản bảo lãnh và hoãn thuế trong 12 tháng, trợ cấp 80% lương cho công nhân trong 3 tháng với số tiền tối đa 2.900 USD/tháng. Ngân hàng trung ương Anh cũng sẽ tung 242 tỉ USD mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp. Pháp có gói cứu trợ 45 tỉ USD cho doanh nghiệp nhỏ và người lao động thất nghiệp, cùng khoản bảo lãnh vay 330 tỉ USD cho các tập đoàn. Tây Ban Nha cũng có gói hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử là 220 tỉ USD, chiếm 1/5 GDP. Nhật Bản dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá 274,2 tỉ USD. Malaysia, nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất Đông Nam Á, đến nay đã có hai gói kích thích kinh tế trị giá 57,3 tỉ USD, chiếm khoảng 17% GDP. Singapore cũng có hai gói hỗ trợ với tổng trị giá 37,57 tỉ USD, tương đương 11% GDP. 
 
Bất chấp những gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ và nhiều nước khác, nhưng khi được hỏi liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái hay không, bà Georgieva nhắc lại lời của Chủ tịch FED Jerome Powell hôm 26-3 rằng Mỹ “rất có thể lâm vào suy thoái”. Bà Georgieva tin rằng không chỉ Mỹ mà nhiều nền kinh tế tiên tiến và một số nước đang phát triển khác cũng rơi vào suy thoái. Ông Joseph Song, nhà kinh tế của Ngân hàng Mỹ (Bank of America), nhận định gói kích thích kinh tế chưa từng có của Mỹ chỉ là nhu cầu tối thiểu để vượt qua tình thế khó khăn hiện tại do đại dịch COVID-19, chứ thật sự kinh tế nước này có thể cần tới 3.000 tỉ USD hoặc lớn hơn để chống suy thoái.
 
Cũng trong bài phát hiểu hôm 27-3, bà Georgieva cho biết ban lãnh đạo IMF đã thông qua những sửa đổi nhằm cho phép tổ chức này giãn nợ cho các nước thành viên kém phát triển nhất và dễ bị tổn thương do dịch COVID-19. Theo những sửa đổi này, tất cả các nước thành viên có thu nhập trung bình dưới ngưỡng quy định của Ngân hàng Thế giới (WB) để được nhận hỗ trợ ưu đãi, sẽ được giãn nợ trong khoảng thời gian lên tới 2 năm. Đến nay có 81 nước, trong đó 50 nước có thu nhập thấp và 30 nước có thu nhập trung bình, đã đề nghị IMF hỗ trợ khẩn cấp. Trong khi đó, theo bà Georgieva, các thị trường mới nổi có thể cần ít nhất 2.500 tỉ USD để vượt qua cuộc khủng hoảng này và nguồn lực nội tại của họ cũng như năng lực vay của thị trường sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu.
 
ĐỨC TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới