Đó là một tang lễ diễn ra theo kiểu truyền thống của miền Nam nước Mỹ. Các vị khách lau đi những giọt nước mắt, ôm nhau an ủi, rồi lại xì mũi và cùng hát những bài thánh ca. Lễ tang có quy mô khá lớn với khoảng hơn 200 vị khách nên họ phải đứng bên ngoài nhà nguyện.
Vừa nhớ lại khung cảnh đám tang hồi tháng trước, bà Dorothy Johnson vừa tự hỏi là ai đã đem dịch Covid-19 đến tang lễ của anh trai bà. Chỉ trong vài tuần sau sự kiện đó, virus đã càn quét quê nhà của bà Johnson. Khoảng 24 người họ hàng bị nhiễm bệnh, trong đó có 6 người là các anh em ruột của bà.
Ngay chính bà Johnson cũng vừa được rời khỏi khu cách ly. Đáng buồn thay, diễn tiến bệnh của con gái bà, Tonya, lại đang xấu đi. Cũng giống như cuộc hội thảo Biogen ở TP Boston và một bữa tiệc sinh nhật tại TP Westport, bang Connecticut, tang lễ của ông Andrew Jerome Mitchell vào ngày 29-2 được các nhà dịch tễ học gọi là "sự kiện siêu lây nhiễm" khi chỉ một số ít người làm lây lan dịch bệnh cho quá nhiều người.
TP Albany là một thành phố nhỏ nơi tất cả mọi người đều quen biết nhau. Ảnh: Audra Melton
Thành phố nhỏ bé nằm ở phía Tây Nam bang Georgia giờ đã trở thành một trong những khu vực có số ca nhiễm dịch Covid-19 cao nhất ở Mỹ. Các bệnh viện địa phương đều bị quá tải khi có tới gần 600 ca dương tính. Tuần trước, thống đốc Brian Kemp phải điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia đến đặt thêm giường bệnh và hỗ trợ các bác sĩ, y tá.
Bà Johnson đoán rằng một trong những vị khách đã mang virus tới tang lễ nhưng bà không có thông tin nào khác. "Thật sự thì chúng tôi không có thông tin nào về người khiến Albany ra nông nỗi này" - bà nói.
Người mang mầm bệnh có thể không phải là vấn đề nhưng thời gian chắc chắn là điều tối quan trọng. Virus đã lẳng lặng lây lan trong suốt 10 ngày mà không một ai hay biết. Đến khi lệnh cách ly xã hội được áp dụng vào ngày 22-3, bệnh dịch đã bao vây thành phố.
Hạt Dougherty xếp gần chót bảng trong số 159 hạt của bang Georgia trong vấn đề sức khỏe vì tỉ lệ người dân mắc bệnh tiểu đường và bệnh phổi cao. Chính vì vậy, khi những ca nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại đây, các bác sĩ không dự cảm được điều bất thường.
Vào đêm diễn ra tang lễ của ông Mitchell, một vị khách 67 tuổi đã được đưa vào bệnh viện Phoebe Putney với triệu chứng khó thở. Người đàn ông này mắc bệnh phổi mãn tính và lịch trình di chuyển không có liên quan đến những vùng dịch nên không bị cách ly. Các bác sĩ cho rằng ông chỉ bị khó thở.
Một con đường nhộn nhịp trở nên vắng lặng sau khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Audra Melton
Đến ngày 10-3, người dân TP Albany mới biết tin một bệnh nhân tại bệnh viện Phoebe Putney dương tính với Covid-19. Một vài ngày êm đềm trôi qua và rồi bệnh dịch bùng nổ như một quả bom. "Một số ca có thể đã dự đám tang. Một số ca có thể là người nhà của những vị khách. Mỗi ngày sau đó đều có người đang chết dần" - trích lời ông Michael L. Fowler, một điều tra viên địa phương.
Theo lời ông Scott Steiner, giám đốc điều hành bệnh viện Phoebe Putney, các trang thiết bị bảo hộ được bệnh viện dự trữ trong 6 tháng đã hết sạch chỉ trong 7 ngày. Ban đầu, các bác sĩ và y tá tiếp nhận một loạt bệnh nhân, bao gồm cả những người trẻ tuổi có sức khỏe khá tốt, có các triệu chứng ho, sốt.
Bệnh nhân nằm viện trong 1 tuần và tiếp xúc với khoảng 50 nhân viên, sau đó được chuyển về TP Atlanta vào ngày 7-3 và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Đến ngày 10-3, bệnh viện Phoebe Putney mới nhận được tin người này dương tính với Covid-19. Ông qua đời vào ngày 12-3, là người đầu tiên tử vong vì virus SARS-CoV-2 tại bang Georgia.
Lúc này, dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong thành phố. Bà Murray, vợ ông Mitchell, bắt đầu có triệu chứng sốt. Bà được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nằm viện tại khu bệnh bình thường và còn được 3 người chị em ruột đến thăm. Cả 3 người này cũng đã nhiễm virus, trong đó có một người không qua khỏi.
Bệnh viện địa phương dùng hết thiết bị bảo hộ dữ trữ 6 tháng chỉ trong 7 ngày. Ảnh: Audra Melton
Sau đó, nhu cầu khí oxy của họ tăng lên một cách đáng báo động và rơi vào tình trạng suy hô hấp hoàn toàn, phổi chứa dịch. Bác sĩ Enrique Lopez, một người chuyên trị bệnh hiểm nghèo, chia sẻ: "Tất cả các khoa đều kín đặc bệnh nhân. Có những ngày chúng tôi phải đặt ống thở cho 5 người một lúc, liên tục từ phòng này sang phòng khác. Đây là một trong những giai đoạn trong sự nghiệp mà tôi thật sự cảm thấy choáng ngợp".
Tuy nhiên, các chỉ thị của bang Georgia đã thay đổi vào tuần trước khi yêu cầu cách ly một tuần đối với những nhân viên y tế dương tính với Covid-19. Bác sĩ Lopez đã tránh tiếp xúc với gia đình trong 2 tuần bằng cách ngủ trong hầm để xe vì sợ khiến họ nhiễm bệnh.
Các tang lễ tại TP Albany, gồm của ông Mitchell và một người đàn ông tên Johnny Carter diễn ra sau đó một tuần, nhanh chóng được đưa tin là nguồn cơn của sự lây nhiễm. 23 bệnh nhân đầu tiên dương tính tại bệnh viện Phoebe Putney đều tham gia ít nhất một trong 2 tang lễ trên.
Thông tin lan truyền "một cách nhanh chóng và mạnh mẽ" rằng những người đi đám tang nên xét nghiệm. Nhưng điều này vẫn không ngăn chặn kịp thời một người nhiễm bệnh làm bồi thẩm đoàn trong một phiên tòa chấm dứt vào ngày 12-3. Vậy là một ổ dịch mới được hình thành trong văn phòng cảnh sát trưởng và tòa án.
Tin tức tạo ra một làn sóng nghi ngờ ở TP Albany. Một số người đặt câu hỏi rằng liệu 2 tang lễ trên có phải là những nguồn lây nhiễm duy nhất. Mục sư Daniel Simmons nói: "Nó tạo ra một nỗi sợ. Tôi phải tự hỏi những ai sẽ tham dự buổi lễ Chủ nhật mà mình sắp tham dự hay những sự kiện khác. Nên đi hay không đi? Mọi người đã bắt đầu hỏi nhau: Ông/bà có đi đám tang đó không?".
Bà Johnson cho biết những suy đoán đã khiến gia đình bà hết sức đau lòng. "Có nhiều thành viên trong gia đình tôi cảm thấy tức giận vì người ta cho rằng anh trai tôi là thủ phạm. Anh ấy đã chết rồi. Nhưng họ tức giận vì các tin đồn nói rằng anh ấy là người phát tán virus" - người phụ nữ nói.
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)