Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Chiết Giang (miền Đông Trung Quốc), Tang bắt đầu đến Mỹ làm việc từ năm 2014. Vào cuối năm nay, thị thực H1-B của cô sẽ hết hạn. Do đó, công ty du lịch nơi cô làm việc tại thành phố Fort Washington, tiểu bang Pennsylvania, đã giúp cô làm thủ tục xin thẻ xanh, cho phép cô sống và làm việc ở Mỹ vĩnh viễn. Lập trình viên phần mềm 33 tuổi này rất tự tin về việc tạo dựng cuộc sống ở xứ cờ hoa, cô thậm chí còn mua một căn hộ tại Mỹ. Tuy nhiên, khi bị sa thải hôm 13-3, cô không chỉ mất đi nguồn thu nhập mà giấc mơ trở thành thường trú nhân tại Mỹ cũng tan thành mây khói.
Lao động Trung Quốc làm việc trong một nhà máy tại Mỹ. Ảnh: AP
Theo CNN, khi những người có thị thực H1-B như Tang bị mất việc, họ có 60 ngày để nộp đơn thay đổi tình trạng thị thực, như trở thành khách du lịch hay sinh viên, hoặc tìm một ông chủ mới sẵn sàng bảo lãnh thị thực cho họ. Nếu như họ không thể tìm được một công việc mới hoặc không thay đổi tình trạng thị thực, họ phải rời khỏi Mỹ hoặc ở “chui” tại nước này. Nếu ở lại quá hạn hơn 180 ngày, họ sẽ bị buộc rời đi và bị cấm nhập cảnh trong tương lai.
Việc tìm được việc làm trong thời điểm hiện tại đã khó, huống chi là tìm được công ty sẵn sàng chịu thêm chi phí bảo lãnh thị thực. Kể từ khi bị mất việc, Tang chưa nhận được cuộc gọi phỏng vấn nào. Thế nên, cô quyết định trở về Trung Quốc nhưng mọi chuyện không như cô muốn. Tất cả chuyến bay thẳng trong tháng 4 đều không còn ghế, trong khi cô lo ngại nguy cơ bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ gia tăng khi bắt các chuyến bay quá cảnh nhiều nơi. Do đó, cô buộc phải nộp đơn xin thị thực du học vào một trường đại học để có thể ở lại Mỹ một cách hợp pháp.
Tang chỉ là một trong số rất nhiều lao động Trung Quốc tại Mỹ bị mất việc do đại dịch COVID-19. Song, giữa lúc dịch COVID-19 ở Trung Quốc đại lục lắng dịu, giới chức quốc gia đông dân nhất thế giới đã nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới xâm nhập vào nước này từ bên ngoài. Kể từ cuối tháng 3, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc đã cho cắt giảm các chuyến bay quốc tế xuống chỉ còn 134 chuyến/tuần, khiến cho giá vé máy bay tăng vọt. Còn lượng hành khách, gồm cả công dân Trung Quốc, nhập cảnh vào nước này bị giới hạn ở mức chỉ 4.000 người/ngày.
Trong khi đó, chính quyền Washington dường như không có bất kỳ động thái nào để hỗ trợ những người như Tang. Cho đến nay, Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ chưa có kế hoạch gia hạn cho những người có thị thực H1-B sắp bị hết hạn, khiến cho những lao động Trung Quốc muốn về nước cũng không được, mà ở lại Mỹ thì cũng không xong.
Thị thực H1-B là loại thị thực việc làm phổ biến nhất ở Mỹ, thường được cấp với thời hạn 3 năm, sau đó có thể gia hạn thêm 3 năm. Trong vòng 5 năm qua, khoảng 900.000 thị thực H1-B đã được cấp. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, năm 2019, số thị thực H1-B cấp cho công dân Trung Quốc chiếm khoảng 15% tổng số thị thực H1-B được cấp.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)