Giới chuyên gia Nga lên án tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam

Thứ tư, 15 Tháng 4 2020 16:54 (GMT+7)
Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam chở 8 ngư dân gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) hôm 3-4 là hành động gây hấn mới nhất của Bắc Kinh trong khu vực.
Theo báo India Times hôm 14-4, đáng chú ý là lần này, hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Philippines và giới chuyên gia Nga.
Các nhà nghiên cứu về yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc ở biển Đông của Nga mạnh mẽ lên án vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần đây, đồng thời khẳng định cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam.
 
Chủ tịch Hội đồng chuyên gia thuộc Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học Âu – Á, Grigory Trofimchuk, cho biết những hành động không phù hợp như vậy của Bắc Kinh bị cộng đồng quốc tế lên án nhưng nước này cố tình phớt lờ.
Điều quan trọng, ông Trofimchuk lưu ý khi số lượng các sự cố tương tự vẫn gia tăng đều đặn, các nhà nghiên cứu trên thế giới sẽ chú ý và lên án chúng tại các hội thảo và diễn đàn quốc tế về tranh chấp ở biển Đông.
Giới chuyên gia Nga lên án tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam - Ảnh 1.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo luật pháp quốc tế. Ảnh: AP
 
Một chuyên gia người Nga khác, GS Vladimur Kolotov đến từ Trường ĐH Quốc gia St. Petersburg, chỉ ra rằng Bắc Kinh đang cố gắng sử dụng khoảng thời gian này – khi toàn cầu gồng mình chống dịch bệnh Covid-19 - để mở rộng ảnh hưởng.
Những lời chỉ trích trên có thể là dấu hiệu cho thấy Nga sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong tranh chấp ở biển Đông, qua đó làm thay đổi đáng kể tình hình.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington đang quan tâm về sự cố vừa nêu, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tập trung vào nỗ lực chống Covid-19. Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) hôm 8-4 cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc khi tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. DFA nhấn mạnh những sự cố như vậy làm suy yếu quan hệ khu vực, có thể là dấu hiệu cho thấy lập trường thay đổi của Manila đối với Bắc Kinh.
 
Việt Nam đã gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở biển Đông lên Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức trực tuyến hôm 9-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo luật pháp quốc tế.
 
Bà Hằng cũng nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế như đã được thể hiện trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới