Màn hình cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo EU được chụp tại Điện Elysee, Pháp, ngày 23-4. (Ảnh: Reuters)
Trong bốn giờ thảo luận, lãnh đạo của 27 nước EU đã tập trung xem xét các đề xuất về ngân sách chung lớn hơn cho giai đoạn 2021-2027 và chương trình khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Bất đồng về cách triển khai quỹ phục hồi kinh tế
Với giá trị tương đương 1% sản lượng kinh tế của EU, ngân sách chung dài hạn từ lâu đã trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất giữa các nước thành viên. Việc tăng ngân sách là điều không hề dễ dàng ngay cả khi Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng EU đã đạt “bước tiến lớn” sau khi hội nghị cấp cao kết thúc.
Phát biểu trước báo giới tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các nước thành viên EU vẫn bất đồng về việc quỹ nên chuyển tiền trợ cấp hay chỉ đơn giản là cho vay.
Thủ tướng Italy Conte nói với các nhà lãnh đạo EU rằng, quỹ phục hồi kinh tế nên có quy mô là 1.500 tỷ euro và quỹ này cần cung cấp các khoản trợ cho các nước thành viên EU để ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ kéo theo mối đe dọa đối với khả năng tồn tại của thị trường nội khối.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã nêu quan điểm ngược lại khi khẳng định Vienna sẵn sàng thể hiện sự đoàn kết nhưng điều này nên được thực hiện thông qua các khoản cho vay.
Tây Ban Nha, một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, ủng hộ quan điểm của Italy cho rằng quỹ phải cung cấp các khoản tài trợ thay vì các khoản cho vay. Trong khi đó, Pháp đề xuất xây dựng một quỹ cho phép phát hành nợ chung của cả khối. Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel thể hiện lập trường hòa giải khi công khai kêu gọi một quỹ phục hồi quy mô lớn sau khi hội nghị kết thúc.
Quyết tâm mạnh mẽ để cùng tiến lên
Sau cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kết luận, đại dịch Covid-19 đang đẩy các nước thành viên EU vào tình trạng rất căng thẳng. Ông Michel khẳng định, dù chiến đấu với virus SARS-CoV-2 và hậu quả do nó gây ra sẽ mất thời gian nhưng EU đã đạt được nhiều tiến triển và hành động quyết liệt.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ để cùng nhau tiến về phía trước.
Theo thông cáo của Hội đồng châu Âu, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về tình hình triển khai các nội dung trong kế hoạch ứng phó đại dịch của châu Âu. “Chúng tôi đều nhất trí rằng sức khỏe và sự an toàn của công dân là ưu tiên hàng đầu”, thông cáo nêu rõ.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh Lộ trình chung của châu Âu hướng tới dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Hội đồng châu Âu cũng nhất trí tiếp tục bám sát tình hình, đặc biệt là trong lúc các nước chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ, đồng thời phối hợp nhiều có thể để bảo đảm các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ dần dần và có trật tự.
Hội đồng châu Âu cũng hoan nghênh Lộ trình chung để phục hồi, đây là tài liệu đặt ra một số nguyên tắc quan trọng như tinh thần đoàn kết, gắn kết và hội tụ giữa các nước thành viên
Sau cuộc họp của Eurogroup vào ngày 9-4, Hội đồng châu Âu đạt đồng thuận về việc bảo đảm an toàn cho người lao động, doanh nghiệp và quốc gia với gói hỗ trợ lên tới 540 tỷ euro. Hội đồng châu Âu hy vọng gói tài chính này sẽ sẵn sàng hoạt động trước ngày 1-6 tới.
Ngoài ra, Hội đồng châu Âu cũng tán thành thúc đẩy thành lập một quỹ phục hồi khẩn cấp. Quỹ này sẽ đủ lớn để hỗ trợ các lĩnh vực và khu vực của châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhất cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Hội đồng châu Âu đã giao Ủy ban châu Âu phân tích các nhu cầu khi dịch bệnh bùng phát và khẩn trương đưa ra đề xuất tương xứng với thách thức mà EU đang đương đầu.
Covid-19 đang tạo ra cú sốc kinh tế nghiêm trọng cho EU, khiến các nước trong khu vực phải đóng cửa biên giới và bất đồng về nguồn cung thiết bị y tế. Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde dự báo, đại dịch có thể khiến sản lượng kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) giảm 5-15%. Theo hãng tin Reuters, kinh tế Eurozone được dự báo sẽ giảm 5,4% trong năm nay. Nếu kịch bản này trở thành sự thật thì năm 2020 sẽ là năm tồi tệ nhất của Eurozone kể từ khi đồng tiền chung được đi vào sử dụng vào năm 1999.
HOÀNG HÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)