Chuyến hàng viện trợ vật tư y tế của Trung Quốc được chuyển tới thủ đô Athens của Hy Lạp. Ảnh: AP
Theo Phái bộ thường trực Trung Quốc tại LHQ, vì là nước đóng góp nhiều thứ hai cho ngân sách thường xuyên của LHQ, Trung Quốc tích cực thực hiện nghĩa vụ tài chính, hỗ trợ LHQ, các cơ quan chuyên môn và duy trì chủ nghĩa đa phương.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã quyết định quyên góp thêm số tiền 30 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngoài khoản quyên góp 20 triệu USD trước đó để hỗ trợ cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 toàn cầu cũng như củng cố hệ thống y tế của các nước đang phát triển. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng sự đóng góp của Bắc Kinh dành cho WHO là nhằm giúp tổ chức này giữ vai trò điều phối tốt hơn trong hành động quốc tế chống lại dịch bệnh, đặc biệt là giúp các nước vừa và nhỏ với hệ thống y tế yếu kém xây dựng khả năng phòng chống dịch bệnh.
Sự “hào phóng” của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra không quan tâm đối với các tổ chức quốc tế, thậm chí hủy bỏ hoặc đình chỉ việc tài trợ cho một số tổ chức. Đơn cử, ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ ngưng tài trợ cho WHO, nơi trước đây mỗi năm nhận hơn 400 triệu USD tiền đóng góp từ Mỹ.
Trong nhiều thập kỷ qua, các đời tổng thống xứ cờ hoa cũng nhiều lần tỏ ra phớt lờ các tổ chức quốc tế. Ngược lại, Trung Quốc nhận thấy rõ rằng các cơ quan quốc tế chính là phương tiện để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Bên cạnh sự đóng góp hào nhoáng nhưng ít ỏi nói trên của Bắc Kinh dành cho WHO, Trung Quốc mới đây cũng đã cử đại diện tham dự hội nghị về phát triển vaccine chống COVID-19 do Liên minh châu Âu tổ chức, trong khi Mỹ từ chối tham gia.
Dù “cạch mặt” nhiều tổ chức quốc tế, Mỹ vẫn cung cấp hàng tỉ USD tiền viện trợ nước ngoài mỗi năm, hỗ trợ tất cả các khía cạnh cuộc sống tại nhiều quốc gia, gồm sức khỏe cộng đồng, huấn luyện quân sự, vệ sinh và quyền phụ nữ. Song, dù là nhà tài trợ mới nổi tại các nước đang phát triển từng nhận ân huệ của Mỹ, trong 15 năm qua, Trung Quốc đã mạnh tay đổ tiền vào các siêu dự án như xây dựng sân bay, đập nước – những dự án đầu tư chiến lược và chớp nhoáng nhằm khuếch trương tham vọng và quyền lực của Bắc Kinh. Điều đáng nói, viện trợ của Trung Quốc thường không kèm các điều khoản minh bạch hoặc bảo vệ nhân quyền vốn gắn liền với viện trợ của Mỹ, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn đối với các chính phủ tham nhũng hoặc độc tài. Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc tài trợ với số tiền ít ỏi, danh tiếng của Bắc Kinh cũng vang xa.
Không những vậy, Trung Quốc còn xem nước này như là tiếng nói đại diện cho các nước đang phát triển chống lại sự thống trị của các cường quốc phương Tây. Do đó, Trung Quốc ngày càng quyết đoán và sẵn sàng cản trở tham vọng của các thành viên khác tại Hội đồng Bảo an LHQ. Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã phủ quyết 11 nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, gấp hơn 5 lần so với 15 năm trước đó. Năm 2019, dù Bắc Kinh chỉ đóng góp khoảng 370 triệu USD cho ngân sách của LHQ (so với hơn 670 triệu USD của Washington), nhưng người Trung Quốc vẫn đang giữ vai trò đứng đầu 4 trong 15 cơ quan chuyên môn của LHQ. Cần biết là không có quốc gia nào khác giữ hơn 1 vị trí lãnh đạo các cơ quan của LHQ.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)