Ngoại trưởng Pompeo (trái) và ông Linick. Ảnh: gulftoday
Ngoại trưởng Pompeo khẳng định với báo Washington Post rằng ông không hề biết Tổng thanh tra Linick đang mở cuộc điều tra nhằm vào mình và bác bỏ nghi ngờ nói đây là vụ trả đũa khi ông yêu cầu Tổng thống Trump cách chức người này hôm 15-5. Ông Pompeo thừa nhận đã đề nghị chủ nhân Nhà Trắng “trảm” Linick vì cảm thấy ông này đang gây ảnh hưởng tiêu cực đối với công tác của Bộ Ngoại giao. Tổng thống Trump sau đó cũng xác nhận Mike Pompeo đã đề nghị như thế và ông đồng ý. Theo các trợ lý quốc hội, ông Linick đang điều tra nghi vấn Ngoại trưởng Pompeo dùng một nhân viên chính phủ cho mục đích cá nhân của ông và vợ mình. Trước đó, trong cuộc điều trần trước Hạ viện vào năm 2019, Tổng thanh tra Linick cho biết trong vòng 5 năm kể từ khi nhậm chức, văn phòng của ông đã thực hiện hơn 600 báo cáo và phát hiện 1,7 tỉ USD các khoản có thể tiết kiệm trong thời gian này.
Việc ông Linick bị cách chức đã “gây bão” chính trị tại Quốc hội Mỹ. Nhiều nghị sĩ, bao gồm cả thành viên đảng Cộng hòa, gửi thư yêu cầu Tổng thống Trump giải thích lý do đằng sau quyết định hôm 15-5. Cũng trong đêm đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel và Thượng nghị sĩ Bob Menendez, thành viên cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã mở cuộc điều tra nhắm vào ông Trump liên quan vụ sa thải gây tranh cãi. Cả 2 nghị sĩ Dân chủ này thông báo họ biết ông Pompeo chủ động đề nghị sa thải Linick với lý do ông này “mở cuộc điều tra về những sai phạm của Ngoại trưởng Pompeo”. Chủ tịch Engel còn nghi ngờ ông Linick “bay ghế” là do tìm cách điều tra quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ bán 8 tỉ USD vũ khí cho Saudi Arabia.
Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã ra sức ngăn chặn các hợp đồng bán vũ khí ở Trung Đông do quan ngại về hồ sơ nhân quyền của Saudi Arabia, cụ thể là thiệt hại dân sự trong các đợt không kích do nước này dẫn đầu ở Yemen và vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên đến tháng 5-2019, ông Trump lấy lý do căng thẳng leo thang với Iran để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép giao dịch vũ khí với Saudi Arabia mà không cần các nghị sĩ thông qua. Tuyên bố này “chọc giận” Đồi Capitol vì trước đấy họ đã bỏ phiếu phản đối.
►Vai trò của Pompeo đang bị “soi”?
Trong thư gửi các nghị sĩ hồi cuối tháng 5-2019, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng ông đã “quyết định tình trạng khẩn cấp đang tồn tại, đòi hỏi phải thực hiện giao dịch bán các thiết bị và dịch vụ quốc phòng” cho Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Jordan để ngăn chặn ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông. Ông còn cảnh báo trì hoãn giao số vũ khí này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho các hệ thống phòng thủ tại những quốc gia đó.
Động thái của ông Pompeo ngay sau đó dẫn đến phản ứng từ các thành viên đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Nhiều nghị sĩ hoài nghi liệu đây có phải là tình trạng khẩn cấp hợp pháp. Trong nỗ lực ngăn chặn, liên minh gồm các thượng nghị sĩ ở cả hai đảng đã đề xuất 22 nghị quyết phản đối các hợp đồng bán vũ khí được đề xuất. Đạo luật nói trên không bắt buộc tổng thống xác định những điều kiện cụ thể tạo ra tình trạng khẩn cấp, nhưng yêu cầu ông đưa ra lời giải thích chi tiết. Hôm qua, 4 nguồn tin tiết lộ với kênh CNN rằng Ngoại trưởng Pompeo từng ra lệnh cho các quan chức tại Bộ Ngoại giao tìm ra lý lẽ để biện minh cho việc công bố tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, phía Lầu Năm Góc hôm 21-5 cho biết họ đã chuyển những câu hỏi về thương vụ bán vũ khí cho Saudi Arabia cho Bộ Ngoại giao Mỹ. Được biết, Saudi Arabia là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Trong giai đoạn 2015-2019, 73% lượng vũ khí Riyadh nhập khẩu là đến từ Washington.
HẠNH NGUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)