Bà Bonnie Glaser, Giám đốc dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - trụ sở Washington), hôm 27-5 nhận định đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) không làm Trung Quốc thay đổi chính sách trên biển Đông.
Theo bà Glaser, Bắc Kinh đang hành động khác thường, chỉ đơn giản là họ nhận thấy thời cơ để đẩy mạnh hoạt động nhằm tìm kiếm lợi ích riêng và đây không phải là lần đầu. Trước đây, Trung Quốc từng nhiều lần ngang ngược đưa ra yêu sách lãnh thổ khi thấy các điều kiện trong khu vực và quốc tế thuận lợi cho mình.
"Khi thấy điều kiện thuận lợi, Trung Quốc sẽ tiến tới. Ngược lại, họ sẽ tạm ngừng và củng cố tình hình. Sau đó, họ sẽ lại tiến tới khi thấy thời cơ" - bà Glaser khẳng định tại buổi trao đổi trực tuyến "An ninh khu vực và biển Đông trong giai đoạn Covid-19" do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức.
Tàu chiến Mỹ USS Gabrielle Giffords tập trận cùng tàu chiến Singapore RSS Steadfast trên biển Đông hôm 25-5 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Cũng theo bà Glaser, Bắc Kinh đang triển khai kế hoạch để từng bước kiểm soát không phận, vùng biển lẫn đáy biển của biển Đông. Thông qua hoạt động xây dựng và quân sự hóa cơ sở hạ tầng trái phép, Trung Quốc có thể duy trì hiện diện quân sự liên tục trên biển Đông để dọa nạt, can thiệp vào nhiều hoạt động khác nhau của các nước trong khu vực, từ đánh bắt hải sản đến khai thác năng lượng. "Các tàu Trung Quốc không còn cần phải trở về tỉnh Hải Nam. Chúng có thể trở về một trong những căn cứ này, bổ sung nhiên liệu và trở lại hoạt động rất nhanh chóng" - bà Glaser giải thích.
Tham dự cuộc trao đổi trực tuyến nêu trên, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận mối quan ngại của chuyên gia người Mỹ về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đang được đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo bà Glaser, ASEAN không nên chốt COC nếu thỏa thuận này không bảo đảm rằng quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ, không có các điều khoản để duy trì an ninh và hòa bình khu vực và không có câu chữ để kiềm chế Trung Quốc.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh giải pháp tốt nhất để bảo đảm an ninh của các nước trong khu vực là phát triển mối quan hệ bạn bè, đồng minh và an ninh với những quốc gia sẵn sàng hành động chung để bảo vệ các quy tắc - nguyên tắc đã đề ra. Đây là giải pháp thực tế duy nhất để buộc Bắc Kinh chùn bước trước những yêu sách phi lý, khiến họ nhận ra rằng họ không thể kiểm soát toàn bộ biển Đông.
Mặc dù quan hệ Washington - Bắc Kinh đang leo thang căng thẳng vì hàng loạt vấn đề, trong đó có biển Đông, bà Glaser nhận định khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước là rất thấp vì đây là điều không bên nào mong muốn.
Dù vậy, nếu Trung Quốc bắt đầu sử dụng sức mạnh quân sự nhằm vào các nước trong khu vực hoặc ngày càng ngang ngược ngăn chặn tự do hàng hải, Mỹ sẽ cân nhắc giải pháp đáp trả để gửi một tín hiệu rằng những hành động này là không thể chấp nhận.
Theo bà Glaser, điểm mới trong chính sách của Mỹ là sự tập trung vào nỗ lực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, đồng thời đẩy mạnh các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải và khiến chúng khó lường hơn để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)