Chiến đấu cơ đa nhiệm J-16 được cho đã được PLA điều tới khu vực biên giới giáp với Ấn Độ. Ảnh: Sina
Dù chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào về lượng binh sĩ mà mỗi nước đã triển khai, nhưng theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong (SCMP), Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã gửi tới khu vực biên giới nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến cũng như nhiều chiến đấu cơ được nâng cấp để hoạt động ở khu vực cao nguyên Tây Tạng.
Binh lực dày đặc
Chuyên gia quân sự tại Hong Kong Liang Guoliang cho biết, Bắc Kinh đã triển khai ít nhất 9 lữ đoàn vũ trang đến Quân khu Tây Tạng, gồm lực lượng bộ binh, pháo binh, phòng không, không quân, hóa học và hạt nhân, tác chiến điện tử.
Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng căn cứ không quân ở Ngari Gunsa tại Tây Tạng, cách vùng Ladakh khoảng 200km, cũng như đưa chiến đấu cơ đa nhiệm J-16 đến Ngari Gunsa.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã điều một số tiểu đoàn thuộc sư đoàn bộ binh đang đóng quân tại thị trấn Leh ở vùng Ladakh đến “các khu vực báo động tác chiến” dọc theo biên giới. Quân tiếp viện cũng như nhiều chiến đấu cơ Su-30MKI cũng được New Delhi gửi tới đây.
Phát biểu với SCMP, chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho rằng việc Trung Quốc điều máy bay đến Tây Tạng chỉ nhằm mục đích huấn luyện, chứ không thực sự nhằm gây chiến với Ấn Độ. Ông Zhou cho rằng Bắc Kinh không xem New Delhi là kẻ thù thật sự, dù Mỹ đang cố gắng lôi kéo Ấn Độ vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc. Theo chuyên gia này, PLA chỉ có khoảng 70.000 quân ở khu vực biên giới, trong khi Ấn Độ triển khai tới 400.000 quân. Tuy nhiên, Rajeswari Rajagopalan, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Tổ chức nghiên cứu Quan sát viên (Ấn Độ), cho biết Ấn Độ có chưa tới 225.000 quân dọc theo biên giới giáp Trung Quốc, trong khi Trung Quốc triển khai khoảng 230.000 - 250.000 quân tới Chiến khu Tây bộ, gồm Tây Tạng và Tân Cương.
Bất phân định biên giới
Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang nghiêm trọng vào năm 2017, khi quân đội hai nước nổ ra cuộc đối đầu xung quanh việc Bắc Kinh xây dựng con đường ở Doklam, khu vực ngã ba mà Trung Quốc gọi là Donglang đang tranh chấp chủ quyền với Bhutan, đồng minh của Ấn Độ. Dù đây không phải là lãnh thổ tranh chấp của mình, nhưng New Delhi xem đây là khu hành lang chiến lược mang tính “yết hầu” giữ vững an ninh quốc gia của Ấn Độ. Kể từ khi căng thẳng ở Doklam tạm lắng, PLA đã mở rộng kho vũ khí, triển khai khí tài quân sự như xe tăng Type-15, trực thăng Z-20, UAV tấn công GJ-2 và pháo tự hành PCL-181 đến cao nguyên Tây Tạng.
Trong những tháng gần đây, căng thẳng trên tiếp tục leo thang khi binh sĩ hai nước không ít lần đụng độ, ném đá lẫn nhau ở thung lũng sông Galwan. Nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ Rajeev Ranjan Chaturvedy cho rằng tình trạng này xuất phát từ việc New Delhi nghi ngờ Bắc Kinh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng ở gần khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, tranh chấp biên giới giữa hai quốc gia châu Á đông dân nhất nhì thế giới phức tạp hơn nhiều. Năm 1993, sau nhiều năm đàm phán căng thẳng, Trung Quốc và Ấn Độ đã ký được thỏa thuận xác lập “đường biên giới kiểm soát” giữa hai nước. Thế nhưng hai bên không xác định chính xác vị trí đâu là điểm đầu, đâu là điểm cuối của đường biên giới. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao cho biết, New Delhi xác định biên giới Ấn-Trung dài 3.488km, trong khi Bắc Kinh cho rằng biên giới Trung-Ấn chỉ dài khoảng 2.000km.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)