Một góc đảo Hải Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: SCMP
Theo kế hoạch được công bố mới đây, Trung Quốc sẽ giảm thuế thu nhập cho những công ty và cá nhân được chọn lọc xuống còn 15%, trong khi nới lỏng yêu cầu thị thực cho du khách và doanh nhân. Cụ thể, du khách quốc tế sẽ được phép ở lại đảo tối đa 15 ngày mà không cần thị thực. Tỉnh đảo với 9,5 triệu dân cũng sẽ được hưởng các quyền tự do về thương mại, đầu tư, dòng vốn, thông tin và đi lại vào năm 2035 khi nơi đây hướng tới thành trung tâm “có tầm ảnh hưởng quốc tế mạnh mẽ” vào giữa thế kỷ 21.
Tham vọng bất thành từ 3 thập niên trước
Năm 1988, lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình nâng cấp đảo Hải Nam thành tỉnh và biến nơi đây thành “đặc khu kinh tế” lớn nhất Trung Quốc với hy vọng vùng đất ngủ quên này sẽ có những đột phá như Thâm Quyến - một làng chài nhỏ chuyển mình thành trung tâm công nghệ cao. Tuy nhiên, thay vì trở thành một mô hình phát triển, Hải Nam nhanh chóng trở thành thiên đường cho những kẻ buôn lậu và đầu cơ bất động sản vào đầu những năm 1990. Thống kê cho thấy, GDP của Hải Nam hồi năm ngoái chỉ đạt 530 tỉ nhân dân tệ, tương đương 0,5% GDP của Trung Quốc, trong khi nguồn thu tài chính của tỉnh này năm 2019 chỉ bằng khoảng 1/7 thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông). Thu nhập bình quân đầu người ở Hải Nam thấp hơn 10% so với mức trung bình quốc gia.
|
Cũng theo kế hoạch trên, một số hàng hóa nhập khẩu sẽ được miễn thuế, gồm thiết bị sản xuất, phương tiện đi lại, nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng. Đặc biệt, công dân quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ có thể chi tới 100.000 nhân dân tệ (tương đương 14.000 USD)/người/năm tại các cửa hàng miễn thuế trên đảo, tăng lên nhiều so với con số 30.000 nhân dân tệ hiện nay. Chính quyền trung ương cũng sẽ thiết lập “đường dây hải quan thứ hai” dành cho các sản phẩm vận chuyển từ Hải Nam vào đất liền. Theo đó, những sản phẩm từng bị đánh 30% thuế giá trị gia tăng trên đảo sẽ được miễn thuế. Quá trình phê duyệt đầu tư tại tỉnh cũng sẽ được đơn giản hóa. Ở một số khu vực nhất định, các công ty sẽ không cần phải được chính quyền địa phương phê duyệt miễn là họ cam kết tuân thủ các quy định trước khi bắt đầu hoạt động. Công dân nước ngoài sẽ có thể làm đại diện pháp lý cho doanh nghiệp nhà nước - quy định vốn không tồn tại trên đất liền...
Phạm vi những chính sách đề xuất dành cho Hải Nam cũng đi xa hơn nhiều so với chiến lược hiện nay của Bắc Kinh tại các khu thương mại tự do khác như Thâm Quyến hay Thượng Hải.
Dù kế hoạch trên không đề cập đến Hong Kong hoặc Singapore nhưng giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh rõ ràng đang tìm cách nhân rộng các chính sách tạo nên thành công của những nơi này.
Song, Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học SOAS (Anh), nhận định rằng kế hoạch nhằm biến Hải Nam thành trung tâm thương mại tự do mới có thể bị cản trở bởi “môi trường quốc tế thù địch” cũng như tình trạng thiếu luật pháp trên đảo. “Hải Nam có thể đạt được nhiều mục tiêu đặt ra nhưng nơi đây không thể biến mình thành một Hong Kong thứ hai. Tỉnh này không sở hữu những yếu tố tạo nên Hong Kong như hiện tại. Sự phản ứng của quốc tế chống lại chính sách hung hăng của Trung Quốc không giúp Hải Nam có được khởi đầu tốt” - ông Tsang nói thêm.
Joe Chau Kwok-ming, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hong Kong, cũng có ý kiến tương tự. Ông Chau cho rằng Hải Nam sẽ khó vượt qua xứ Cảng Thơm vốn giữ vị thế là trung tâm thương mại và thiên đường mua sắm, và Hong Kong có rất nhiều lợi thế cạnh tranh mà Hải Nam không dễ dàng theo kịp, ít nhất là trong ngắn hạn.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)