Hải quân Mỹ trong một lần tham gia cuộc tập trận Malabar. Ảnh: US Navy
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh chiến lược hỗ trợ Tokyo phát triển, duy trì năng lực phòng thủ hiệu quả là rất quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Cơ quan này cũng nói rõ thỏa thuận trên không làm thay đổi cán cân quân sự khu vực.
Theo thỏa thuận này, Lầu Năm Góc sẽ chuyển giao cho Nhật 63 chiến đấu cơ tàng hình F-35A và 42 chiếc F-35B, 110 động cơ mới F135 cùng nhiều phần cứng như hệ thống liên lạc và tác chiến điện tử, công nghệ phát hiện lỗi tự động, pháo hồng ngoại…Gói vũ khí trên cũng bao gồm hoạt động hỗ trợ và đào tạo kỹ thuật trong 25 năm. Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ hai sở hữu số lượng lớn tiêm kích tàng hình tối tân của Mỹ và khách hàng thứ tư đưa vào biên chế chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35B.
Mỹ, Thái Lan ký “Tuyên bố Tầm nhìn chiến lược”
Ngày 10-7, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng James McConville đã gặp Thủ tướng và người đồng cấp Thái Lan, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao đầu tiên của một phái đoàn nước ngoài tới quốc gia Đông Nam Á này kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát làm cản trở hoạt động đi lại quốc tế.
Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan thông báo Tướng McConville đã gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Tư lệnh Lục quân Apirat Kongsompong và ký Tuyên bố Tầm nhìn chiến lược. Văn bản Tuyên bố Tầm nhìn chiến lược chưa được công bố, song Đại sứ quán Mỹ cho biết Tướng McConville và ông Apirat đã “thảo luận về việc hiện đại hóa, khả năng tương tác, huấn luyện chung và nguyên tắc chỉ đạo”. |
Cùng đợt với Nhật, Washington còn phê duyệt thỏa thuận bán vũ khí cho Đức, Bỉ và cả Đài Loan. Các thương vụ này được đốc thúc trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung đối phó việc Trung Quốc mở rộng hiện diện quân sự và đẩy mạnh hành động ngang ngược ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Đặc biệt thời điểm đại dịch COVID-19 đang lan nhanh trên toàn cầu, nhiều nước khu vực lo ngại Bắc Kinh lợi dụng tình hình để củng cố lợi ích chiến lược, chẳng hạn như việc cường quốc châu Á bất chấp sức ép quốc tế tăng cường quân sự hóa vùng biển tranh chấp, đụng độ biên giới với Ấn Độ.
Tháng rồi, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Úc Scott Morrison với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã có cảnh báo về mối đe dọa hiện hữu từ các “hành vi quyết đoán” của Trung Quốc. Điểm lại mối quan tâm này, cuộc họp tương tự giữa ông Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 9-7 tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu hợp tác quốc phòng, an ninh giữa các nền dân chủ khu vực.
Theo giới quan sát, hàng loạt động thái hợp tác như vậy đang giúp thắt chặt các cặp quan hệ song phương và nâng tầm đối tác trong cục diện “Bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đặc biệt, New Delhi còn tuyên bố đang chuẩn bị mời Úc tham gia cuộc tập trận thường niên “Malabar” trên Vịnh Bengal cùng với Nhật Bản và Mỹ. Đây sẽ là tín hiệu mạnh mẽ gởi tới Trung Quốc khi lần đầu tiên các thành viên “Bộ tứ” cùng phối hợp ở cấp độ quân sự.
Năm 2015, Bắc Kinh từng phản đối Nhật Bản tham gia cuộc tập trận Malabar và chỉ trích diễn biến này “kích động đối đầu và gây căng thẳng” khu vực. Chuyên gia Biren Nanda thuộc nhóm Chính sách Delhi dự đoán Trung Quốc sẽ phản ứng tương tự trong trường hợp của Úc. Nhưng với hành vi của Trung Quốc những năm gần đây, vị này cho rằng giá trị của ý tưởng các nền dân chủ cùng chí hướng tìm cách giữ cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” đang dần được tiếp nhận trên phương diện rộng.
Trước đại dịch COVID-19, nhóm này đã đối thoại với Hàn Quốc và New Zealand trong khuôn khổ “Bộ tứ mở rộng”. Trước thông tin Indonesia cũng có khả năng được mời tham gia, một học giả hàng đầu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho rằng khuôn khổ “Bộ tứ” kể cả thời điểm không có Mỹ cũng có thể trở thành đối trọng với Bắc Kinh.
MAI QUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)