Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) đưa tin vụ nổ được thực hiện vào sáng 19-7 (giờ địa phương) tại con đập trên sông Chuhe, tỉnh An Huy. Sau khi con đập bị phá hủy bằng thuốc nổ, mực nước dự kiến giảm 70 cm.
Theo hãng tin AP, cho nổ đập và kè để xả nước là một trong những phương pháp cực đoan mà Bắc Kinh sử dụng trong trận lụt tồi tệ nhất hồi năm 1998. Lúc đó, hơn 2.000 người chết và gần 3 triệu ngôi nhà bị mất trong nước lũ.
Đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử tuần trước cũng mở 3 cửa xả do mực nước phía sau con đập dâng cao hơn 15 m so với cảnh báo. Ở những nơi khác, binh sĩ và công nhân dùng bao cát và đá để gia cố bờ kè.
Đập Tam Hiệp mở cửa xả hôm 17-7. Ảnh: Tân Hoa Xã
Hôm 19-7, Trung Quốc nâng cảnh báo lũ ở khu vực sông Hoài từ cấp III lên cấp II, mức cao thứ hai trên thang đo 4 cấp. Ủy ban Sông Hoài thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết 10 hồ chứa trên sông Hoài ghi nhận mực nước vượt quá mức cảnh báo tới 6,85 m.
Sông Hoài dài 1.000 km, chảy qua các trung tâm sản xuất và nông nghiệp lớn ở các tỉnh Hà Nam, An Huy và Giang Tô.
Lũ lụt xảy ra ở Trung Quốc hằng năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam nhưng rất nghiêm trọng vào mùa hè này. Hơn 150 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong lũ lụt và lở đất bởi những cơn mưa xối xả gây ra. Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc thống kê khoảng 1,8 triệu người được sơ tán và thiệt hại trực tiếp ước tính lên tới hơn 49 tỉ nhân dân tệ (10 tỉ USD).
Lũ lụt xảy ra ở Trung Quốc hằng năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam. Ảnh: Reuters
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)