Tổng thống Macron (giữa) là lãnh đạo thế giới đầu tiên đến thăm Beirut sau vụ nổ. Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, Đại sứ Pháp tại thủ đô Beirut đã chuyển “hồ sơ sơ bộ” cho Lebanon, mặc dù Điện Élysée phủ nhận điều này. Tài liệu nêu chi tiết các giải pháp cần thiết bao gồm kiểm toán Ngân hàng Trung ương Lebanon, chỉ định một chính phủ lâm thời có khả năng thực hiện những chương trình cải cách cấp bách và tiến hành bầu cử Quốc hội trong vòng một năm. “Ưu tiên phải sớm thành lập chính phủ để tránh tạo ra khoảng trống quyền lực, bởi nó sẽ đẩy Lebanon chìm sâu vào cuộc khủng hoảng” - tài liệu dài 2 trang nói rõ.
Ngoài ra, phía Pháp yêu cầu Lebanon ngay lập tức chú ý đến các lĩnh vực như viện trợ nhân đạo, phản ứng của giới hữu trách đối với đại dịch COVID-19 và công cuộc tái thiết hậu vụ nổ cảng Beirut, khiến ít nhất 180 người chết và khoảng 6.000 người bị thương hôm 4-8. Tài liệu cũng kêu gọi phải đạt được những tiến bộ trong đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên Hiệp Quốc giám sát khoản viện trợ nhân đạo mà gần đây quốc tế hứa dành cho Lebanon, cũng như mở cuộc điều tra nguyên nhân vụ nổ 2.750 tấn amoni nitrat cất giữ không an toàn tại cảng trong suốt nhiều năm.
Sau thảm kịch trên, Chính phủ của Thủ tướng Lebanon Hassan Diab đã từ chức, nhưng được yêu cầu tạm thời đảm nhiệm công việc cho đến khi nội các mới được thành lập. Trước đó, chính phủ này đã bế tắc trong đàm phán với IMF về gói cứu trợ tài chính do Beirut chậm chạp với tiến trình cải cách và tranh cãi về mức độ tổn thất tài chính. Dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ lạm phát của Lebanon hồi tháng rồi đã lên tới 112,4%, trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực rơi vào “cơn lốc” siêu lạm phát.
Theo kế hoạch cải cách, Pháp sẽ đóng vai trò chính trong việc tái thiết cảng Beirut, nâng cao chương trình chăm sóc y tế, cử các nhóm chuyên gia từ Ngân hàng Trung ương nước này sang Lebanon hỗ trợ kiểm toán tài chính cũng như giúp tổ chức bầu cử Quốc hội.
Ý đồ của Paris là gì?
Còn nhớ, chỉ hai ngày sau vụ nổ ở cảng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bay sang Beirut. Lãnh đạo quốc gia hình lục lăng không chỉ động viên, an ủi người dân nơi đây mà còn cam kết tái thiết thành phố. Ông tuyên bố “thảm kịch cũng đã làm tan nát trái tim của Pháp”.
Những người bênh vực Tổng thống Macron đã ca ngợi nhà lãnh đạo Pháp vì đến thăm những khu vực nghèo khó và muốn đổ lỗi cho các chính khách Lebanon về tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém - “thủ phạm” dẫn đến vụ nổ khủng khiếp.
Dù vậy, phe chỉ trích mô tả những đề nghị trợ giúp trên nằm trong ý đồ chủ nghĩa thực dân mới của một nhà lãnh đạo châu Âu đang muốn khôi phục sự cai trị đối với vùng đất khó khăn ở Trung Đông. Hãng tin AP thậm chí đặt câu hỏi “Pháp đang giúp Lebanon hay muốn tái chinh phục nước này?”, kèm lời bình: “Dường như Tổng thống Macron quên rằng Lebanon không còn là một xứ bảo hộ của Pháp”.
Hồi đầu tháng 8 đã có tới 60.000 người ký vào thỉnh nguyện thư trực tuyến, yêu cầu Pháp tạm thời khôi phục sự cai trị đối với Lebanon với lý do giới lãnh đạo nước này “đã hoàn toàn mất khả năng lèo lái đất nước”. Tổng thống Macron đã cực lực bác bỏ ý tưởng trên, nhưng dự kiến ông sẽ trở lại Beirut vào ngày 1-9 tới.
HẠNH NGUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)