Ngoại trưởng Motegi (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Hun Sen hôm 23-8. Ảnh: AP
huyến thăm của nhà ngoại giao xứ hoa anh đào chứng tỏ rằng Nhật Bản đang tiến thêm bước nữa trong quan hệ với Campuchia, một trong những đồng minh nổi bật nhất của Trung Quốc tại khu vực. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Campuchia Prak Sokhonn, Ngoại trưởng Motegi nhấn mạnh, điều quan trọng cần làm là củng cố chiến lược “Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” giữa bối cảnh quốc tế thay đổi đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Khi chào xã giao Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen, Ngoại trưởng Motegi tuyên bố Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở Campuchia, gồm phát triển cảng nước sâu duy nhất của Campuchia ở tỉnh Sihanoukville, nơi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư, từ phát triển các sòng bạc đến xây dựng khách sạn và nhà hàng. Theo tờ The Diplomat, dự án hiện đại hóa cảng này được thực hiện bằng khoản vay trị giá 209 triệu USD từ Chính phủ Nhật Bản mà sau khi hoàn thành vào đầu năm 2023, nó được dự đoán sẽ là cửa ngõ giao thương chiến lược giúp thúc đẩy tăng trưởng của Campuchia. Tuy nhiên, tính đến tháng 6 năm nay, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Sihanoukville. Các công ty Trung Quốc đảm trách phần lớn trong số 194 dự án đầu tư đang được xây dựng của tỉnh trong giai đoạn 1994-2020, với tổng trị giá lên tới 30 tỉ USD.
Theo giới phân tích, bằng cách khẳng định tầm quan trọng của chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản đang cố gắng củng cố vị thế của mình nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Campuchia nói riêng và khu vực nói chung. Là đối tác chiến lược của Nhật Bản, Campuchia cho đến nay đã bày tỏ sự quan tâm và chấp nhận chiến lược này. Phnom Penh tin rằng chiến lược này được triển khai chủ yếu nhằm phát triển kinh tế thông qua các cam kết chặt chẽ hơn là lôi kéo các nước liên quan đứng về phía Nhật Bản.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Motegi đến Campuchia được diễn ra 9 ngày sau khi Phnom Penh mất 20% ưu đãi thuế quan theo chương trình “Mọi thứ trừ vũ khí” của Liên minh châu Âu (EU). Nó cho thấy rằng Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Campuchia trong thời gian khó khăn này. Mặt khác, Campuchia dường như đang cần sự hỗ trợ của Nhật Bản hơn bao giờ hết do quan hệ của nước này với phương Tây vẫn ở mức thấp nhất mọi thời đại. Hiện Nhật Bản vẫn là nhà tài trợ truyền thống lớn nhất của Campuchia. Tokyo đến nay đã cung cấp hơn 2,8 tỉ USD vốn viện trợ chính thức cho Phnom Penh.
Giới phân tích cho rằng Nhật Bản, với truyền thống ngoại giao không ngán ngại Trung Quốc, đang nắm lợi thế chiến lược rất quan trọng trong quan hệ với Campuchia. Trong lúc Trung Quốc nắm giữ phân nửa trên tổng nợ nước ngoài trị giá 7 tỉ USD của Campuchia, Nhật Bản có thể giúp quốc gia Ðông Nam Á này thoát khỏi “bẫy nợ” từ Bắc Kinh.
Tăng cường quan hệ quốc phòng
Giữa lúc ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng tại Ðông Nam Á, Nhật Bản sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn không chỉ quan hệ ngoại giao, kinh tế mà còn cả hợp tác quốc phòng với khu vực, bao gồm Campuchia. Bộ Quốc phòng Nhật Bản hồi cuối tháng 6 tuyên bố sẽ thành lập một cơ quan mới, đảm trách bất kỳ vấn đề nào ở Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) cũng như ở các đảo Thái Bình Dương. Qua đó cho thấy Tokyo sẽ tăng cường hợp tác quân sự với các nước ASEAN thông qua một số cơ chế như viện trợ quân sự, huấn luyện kỹ thuật cũng như xuất khẩu thiết bị quân sự.
Mặt khác, Chính phủ Campuchia dường như cũng sẵn sàng hợp tác quân sự với Nhật Bản. Trong cuộc gặp với Tướng Goro Yuasa, tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ Nhật Bản hồi tháng 2, chính Thủ tướng Hun Sen đã bày tỏ sự quan tâm đối với sự hợp tác ngày càng gia tăng với Nhật Bản trong các lĩnh vực trao đổi thông tin, chống khủng bố và huấn luyện. Ông Hun Sen cũng khuyến khích Tokyo hỗ trợ Phnom Penh nhiều hơn trong công tác rà phá bom mìn và ứng phó khẩn cấp.
|
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)