Ấn Độ là thị trường béo bở cho các công ty khởi nghiệp. Ảnh: Getty Images
Gateway House, công ty tư vấn có trụ sở thành phố Mumbai, cho biết các công ty, quỹ đầu tư và các cá nhân Trung Quốc đã đầu tư 3,9 tỉ USD vào khoảng 90 công ty khởi nghiệp Ấn Độ năm 2019, so với mức 2 tỉ USD năm 2018. Nhưng giờ đây, số phận của các công ty này cũng như các công ty khởi nghiệp hy vọng sẽ thu hút tiền đầu tư từ Trung Quốc trong tương lai có vẻ không chắc chắn.
Do căng thẳng ngày càng gia tăng, Ấn Độ đến nay đã cấm hơn 200 ứng dụng của Trung Quốc, gồm cả những ứng dụng cực kỳ phổ biến như TikTok và PUBG Mobile. New Delhi cũng cấm đầu tư từ Bắc Kinh vào các dự án xây dựng đường cao tốc cũng như vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phong trào “tẩy chay hàng Trung Quốc” cũng đã diễn ra tại Ấn Độ.
Trước đó, Ấn Độ hồi tháng 4 đã đưa ra các quy tắc về đầu tư trực tiếp nước ngoài được cho là chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn các vụ thôn tính các công ty Ấn Độ trong thời gian diễn ra đại dịch. Động thái này đã mang lại tác động lớn đối với các công ty khởi nghiệp đang cần thu hút vốn đầu tư của Ấn Độ, đặc biệt là các công ty đã huy động tiền từ các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tentcent hay Baidu, cũng như các công ty hy vọng nhận thêm nguồn tài trợ từ các công ty ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hậu quả là, Alibaba được cho đã tạm hoãn mọi kế hoạch đầu tư vào các công ty Ấn Độ.
Theo tờ Nikkei Asia Review, Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng, cho rằng động thái trên vi phạm tuyên bố đồng thuận của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó nhất trí “tạo ra môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và ổn định”.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ hàng đầu Ấn Độ tin rằng chính phủ không có ý định cắt dòng tiền tài trợ từ các công ty Trung Quốc. Thay vào đó, New Delhi muốn các công ty quốc gia đông dân nhất thế giới không dễ dàng có được cổ phần trong ngành công nghiệp công nghệ Ấn Độ hoặc củng cố sự hiện diện của họ trong lĩnh vực này. Với quy định mới, New Delhi sẽ không chấp thuận việc một tập đoàn đơn lẻ sở hữu 10% cổ phần hoặc một quỹ đầu tư mạo hiểm có được 25% cổ phần của công ty khởi nghiệp Ấn Độ.
Vậy, các công ty khởi nghiệp Ấn Độ sẽ tìm nguồn vốn thay thế từ đâu? Atul Pandey, đối tác tại công ty luật đại diện cho các nhà đầu tư Trung Quốc tại Ấn Độ, cho biết: “Với sự hiện diện to lớn của các công ty Trung Quốc tại Ấn Độ, thật khó để các quỹ đầu tư từ các khu vực pháp lý khác lấp đầy chỗ của họ ngay lập tức”. Song, một thực tế cho thấy Ấn Độ vẫn là thị trường lớn nhất dành cho các công ty Internet. Trong thời gian phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, Ấn Độ đã thu hút được gần 20 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài từ các công ty ở Thung lũng Silicon như Google, Facebook hay những quỹ đầu tư toàn cầu như AIDA, KKR và General Atlantic.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)