Hôm 17-9, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đã có mặt tại căn cứ không quân ở Ðài Bắc (ảnh). Theo Hãng tin AFP, ông Krach là quan chức ngoại giao Mỹ cấp cao nhất từng tới thăm Ðài Loan kể từ năm 1979 và sự kiện này diễn ra hơn một tháng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Alex Azar.
Trong chuyến thăm 3 ngày, ông Krach ngoài gặp gỡ lãnh đạo Ðài Loan Thái Anh Văn còn tham gia các cuộc thảo luận xây dựng tiến trình đối thoại hợp tác về kinh tế và thương mại mới. Quan chức Mỹ cũng đến dự buổi lễ tưởng niệm cố lãnh đạo Ðài Loan Lý Ðăng Huy. Trong động thái thúc đẩy vị thế Ðài Bắc, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Kelly Craft trước đó đã có buổi ăn trưa “lịch sử” với người đứng đầu Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Ðài Loan tại New York. Ðây là cuộc gặp đầu tiên giữa một đại sứ Mỹ tại LHQ và quan chức cấp cao Ðài Loan kể từ năm 1971 khi ghế tại LHQ được chuyển từ Ðài Bắc sang Bắc Kinh.
Theo bà Craft, diễn biến này cho thấy bước tiến xa hơn của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực tăng cường quan hệ với hòn đảo mà Trung Quốc coi là lãnh thổ chờ thống nhất. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng cuộc gặp này cùng chuyến thăm của quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ tới Ðài Loan có thể “đổ thêm dầu” vào ngọn lửa căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại, công nghệ, tình hình Hong Kong và Biển Ðông.
Phát biểu hôm 17-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ trích Mỹ vi phạm các cam kết với Bắc Kinh và làm suy yếu quan hệ song phương. Trong công hàm phản đối, Trung Quốc yêu cầu Washington nhận thức đầy đủ tính chất cực kỳ nhạy cảm của vấn đề Ðài Loan, đồng thời cảnh báo về những “phản ứng cần thiết” của Trung Quốc tùy vào tình hình.
Trong lúc giằng co ngoại giao, tờ New York Times dẫn các nguồn tin nội bộ cho biết chính quyền Trump đang thúc đẩy thương vụ bán 7 gói vũ khí lớn cho Ðài Loan. Nếu được quốc hội thông qua, đây sẽ là một trong những vụ Mỹ chuyển giao vũ khí lớn nhất cho hòn đảo này trong những năm gần đây. Các lô vũ khí bao gồm thủy lôi, mìn, máy bay không người lái, hệ thống pháo phản lực đa nòng và tổ hợp tên lửa chống hạm. Hệ thống vũ khí nhạy cảm trong số các gói thầu được đề xuất cho Ðài Loan còn gồm tên lửa hành trình không đối đất thế hệ mới AGM-84H/K SLAM-ER do Boeing chế tạo. Tên lửa này có thể kết hợp với chiến đấu cơ F-16 mà Mỹ đã bán cho Ðài Loan và phóng từ ngoài tầm phòng không của Trung Quốc. Với tầm bắn 278km, tên lửa có khả năng nhắm đến tàu chiến Trung Quốc cố vượt eo biển Ðài Loan hoặc các mục tiêu ở đại lục trong trường hợp xảy ra xung đột.
Theo New York Times, một số quan chức chính quyền Trump coi củng cố Ðài Loan là bước đi chiến lược nhằm tạo ra đối trọng quân sự với Bắc Kinh ở khu vực. Trong một nhận định, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Quan hệ Quốc tế Bonnie S. Glaser cho rằng Mỹ ngày càng lo ngại năng lực răn đe giảm sút trong khi Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự. Thông qua các thỏa thuận vũ khí mới, Washington hy vọng Ðài Loan cải thiện tiềm lực quân sự sẽ ngăn chặn hoặc ít nhất kéo dài thời gian đối phó nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất lãnh thổ.
Hôm 18-9, Trung Quốc khởi động đợt tập trận bắn đạn thật ở eo biển Đài Loan nhằm “thúc đẩy an ninh, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường, việc Đài Loan “tìm cách độc lập bằng cách câu kết với nước ngoài sẽ chỉ là nằm mơ giữa ban ngày”.
MAI QUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)