Đảo chiều chính sách
Ảnh: AFP
Quyết định dừng đàm phán với Trung Quốc đánh dấu bước đảo chiều về chính sách đối với chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau, vốn từng đặt mục tiêu đưa Canada trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ký kết FTA với nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.
Còn nhớ khi nhậm chức năm 2015, Thủ tướng Trudeau đã phát tín hiệu sẽ tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada. Ông Trudeau đã công du Bắc Kinh vào tháng 9-2016. Mấy tuần sau đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tới Ottawa để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực, kể cả tập trận chung.
Nhưng việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu vào cuối năm 2018 theo yêu cầu của Mỹ đã khiến quan hệ song phương xuống dốc. Bà này bị cáo buộc lừa đảo ngân hàng và vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Trong động thái được cho là đáp trả, Trung Quốc đã bắt giữ 2 người Canada là nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor với cái cớ làm gián điệp.
Bên cạnh đó, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và luật an ninh quốc gia Hong Kong càng khiến bang giao Canada - Trung Quốc thêm trắc trở. Bất chấp cảnh báo hậu quả từ Bắc Kinh, Ottawa đã quyết định đình chỉ hiệp định dẫn độ với đặc khu hành chính này.
Lặng lẽ “cấm cửa” Huawei?
Đến nay, Canada là thành viên duy nhất trong liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (Five Eyes) chưa chính thức loại Huawei khỏi dự án phát triển mạng 5G. Lấy lý do bảo vệ an ninh quốc gia, 4 nước còn lại là Mỹ, Anh, Úc và New Zealand đều đã “cấm cửa” đại gia viễn thông Trung Quốc.
Washington vài năm trở lại đây vận động quyết liệt các đối tác và đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G vì nghi ngờ tập đoàn này có liên hệ với chính quyền Bắc Kinh. Riêng Canada chịu áp lực khá nặng nề. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cảnh báo “Mỹ không thể hoạt động trong một số môi trường mà công nghệ Huawei ở gần đó”, ám chỉ khả năng Canada sẽ bị loại khỏi “Ngũ nhãn” nếu xài thiết bị của hãng này.
Theo một nguồn tin ngoại giao, nếu không vì số phận của 2 công dân đang bị Trung Quốc giam giữ, Canada đã chính thức tuyên bố tẩy chay Huawei từ lâu. Ngoại trưởng Champagne hôm 18-9 cũng nói rằng “Ưu tiên số 1 của chúng tôi là đưa Michael Kovrig và Michael Spavor về nước”.
Trong khi đó, theo Reuters, bằng việc trì hoãn ra quyết định, trên thực tế Canada đã “không chính thức” loại Huawei khỏi mạng 5G của nước này.
Ngoài việc dừng đàm phán FTA, Ngoại trưởng Canada Champagne còn cho rằng toàn bộ những sáng kiến và chính sách được thực hiện ở thời điểm năm 2016 với Trung Quốc cần được xem xét lại. Theo ông, lý do là “Trung Quốc năm 2020 không phải là Trung Quốc năm 2016”.
QUỐC KHÁNH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)