Dù vậy, ông kỳ vọng phần lớn công dân Mỹ sẽ được tiêm chủng chậm nhất là vào tháng 7-2021. Theo ông Redfield, dự kiến có khoảng 700 triệu liều vắc-xin vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4-2021, đủ cho khoảng 350 triệu người. Tuy nhiên, "phải đến tháng 5, tháng 6 hoặc có thể là tháng 7, chúng ta mới có thể tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân Mỹ".
Ông Redfield đưa ra thời gian biểu trên tại phiên điều trần trước Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện Mỹ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người dân nước này cho đến giờ. Cũng tại phiên điều trần này, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci nói rằng ông dự kiến Mỹ có khoảng 50 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong tháng 11, 100 triệu liều trong tháng 12-2020 và 700 triệu liều trong tháng 4-2021.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield tại cuộc điều trần hôm 23-9 Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, giới chức y tế Mỹ và Tổng thống Donald Trump đưa ra nhiều tuyên bố khác nhau về thời điểm phần lớn công dân Mỹ được tiêm vắc-xin Covid-19.
Hiện vẫn chưa có một vắc-xin như thế nhưng 4 ứng viên đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng tại Mỹ, gồm vắc-xin của các công ty Pfizer Inc, Moderna Inc, Johnson & Johnson (Mỹ) và Trường ĐH Oxford - Công ty Astrazeneca (Anh). Trong số này, vắc-xin của Pfizer - được đồng phát triển bởi Công ty dược BioNTech SE (Đức), được đánh giá là ứng viên tiềm năng nhất. Tổng thống Trump khẳng định đây có thể là vắc-xin đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, Johnson & Johnson là công ty mới nhất thông báo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối sản phẩm của mình. Ông Paul Stoffels, Giám đốc khoa học của Johnson & Johnson, hôm 23-9 cho biết giai đoạn này đã được triển khai trước đó cùng ngày với sự tham gia của 60.000 tình nguyện viên tại gần 215 địa điểm trên khắp nước Mỹ và những quốc gia khác, trong đó có Argentina, Brazil và Chile.
Cũng theo ông Stoffels, ứng viên vắc-xin của công ty chỉ cần 1 liều tiêm để tạo ra miễn dịch hiệu quả, thay vì 2 liều như những ứng viên khác. Dù vậy, công ty này cũng lên kế hoạch hợp tác với chính phủ Anh trong các cuộc thử nghiệm riêng biệt để đánh giá độ hiệu quả của 2 liều tiêm.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)