Bầu cử Mỹ 2020 cân tài cân sức

Thứ sáu, 09 Tháng 10 2020 17:33 (GMT+7)
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ diễn ra cân tài cân sức, có thể dẫn đến kết quả không rõ ràng trong ngày bầu cử 3-11 tới
Xuyên suốt cuộc tranh luận đầu tiên và duy nhất giữa 2 ứng viên phó tổng thống Mỹ tại Trường ĐH Utah ở TP Salt Lake, bang Utah hôm 7-10, ông Mike Pence và bà Kamala Harris "ăn miếng trả miếng" gay gắt về các vấn đề liên quan đến kinh tế, thực thi pháp luật, chủng tộc và đặc biệt là cách ứng phó Covid-19 của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
 
Cuộc chiến chống Covid-19 của chính quyền Tổng thống Trump là "nguyên liệu" cho những công kích sắc bén nhất của nữ ứng viên phó tổng thống phía Đảng Dân chủ. "Người Mỹ đã chứng kiến thất bại ê chề nhất trong mọi đời chính quyền tổng thống của lịch sử nước nhà" - bà Harris khẳng định. Đáp lại, ông Pence quy trách nhiệm Covid-19 cho Trung Quốc, đồng thời ca ngợi những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm quyết định áp lệnh hạn chế đi lại hồi cuối tháng 1.
 
Ông Pence bị hỏi về lễ công bố đề cử bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao tại Nhà Trắng hôm 26-9 mà trong đó, phần lớn khách mời không đeo khẩu trang hay tuân thủ giãn cách xã hội. Nhiều nhân vật quyền lực, bao gồm Tổng thống Trump, đã mắc Covid-19 sau sự kiện này. 
 
Ông Pence lưu ý sự kiện này diễn ra ngoài trời, tiếp đó chỉ trích bà Harris và ứngviên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden vì không tôn trọng quyền tự do của người dân trong các lựa chọn bảo vệ sức khỏe cá nhân, ám chỉ cam kết của họ về việc yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc tại các tòa nhà liên bang. "Chúng ta tôn trọng người dân Mỹ bằng cách cho họ biết sự thật" - bà Harris đáp trả, đồng thời cáo buộc Tổng thống Trump nói giảm mức độ nghiêm trọng của Covid-19 trong nhiều tháng trời.
 
Hai ứng viên cũng đối ngược về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Bà Harris cho rằng Tổng thống Trump đã thua trong cuộc thương chiến này, khiến Mỹ mất đi 300.000 việc làm trong ngành sản xuất và nhiều nông dân Mỹ phá sản. Phó Tổng thống Pence phản pháo rằng thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc chính là thành tựu mà chính quyền Tổng thống Trump đạt được.
 
Theo Reuters, xuyên suốt 90 phút tranh luận, ông Pence được đánh giá là ổn định lại con thuyền phía Đảng Cộng hòa vốn chao đảo sau một tuần sóng gió. Dù vậy, cũng giống ông chủ Nhà Trắng, ông Pence không thể trả lời thuyết phục khi bị hỏi về kế hoạch chăm sóc những người có bệnh nền trong trường hợp chính quyền Tổng thống Trump thành công trong việc hủy bỏ chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare - một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri.
Bầu cử Mỹ 2020 cân tài cân sức - Ảnh 1.
Vách ngăn bằng kính được dựng lên trong cuộc tranh luận hôm 7-10 giữa Thượng nghị sĩ Kamala Harris và Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh: REUTERS
Bà Harris cũng tạo nên những khoảnh khắc gây chú ý riêng và màn trình diễn của bà nhiều khả năng không làm tổn hại đến cơ hội đắc cử của ông Biden. Trên sân khấu lớn nhất sự nghiệp chính trị, nữ thượng nghị sĩ 55 tuổi của bang California không hề nao núng và thường xuyên tấn công mạnh mẽ đối thủ.
 
Kết quả khảo sát của CNN cho thấy 59% người xem nói bà Harris chiến thắng trong khi tỉ lệ này dành cho ông Pence là 38%. Theo nhà bình luận chính trị người Mỹ Eugene Joseph Dionne Jr., bà Harris đã giành chiến thắng bằng việc không biến mình thành trung tâm của sự chú ý. Thay vào đó, bà hành động như một người ủng hộ ông Biden để chỉ trích Tổng thống Trump một cách chi tiết, mạnh mẽ nhưng có kiểm soát.
 
Trong khi đó, chuyên gia Chris Karpowitz của Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử và Dân chủ (CSED) thuộc Trường ĐH Brigham Young (Mỹ) khẳng định mặc dù có thể khiến cử tri 2 phía "hài lòng", cuộc tranh luận này nhiều khả năng không làm thay đổi kết quả bầu cử 2020. 
 
Ông này nhấn mạnh "Covid-19 và suy thoái kinh tế mới là những yếu tố định hình cuộc bầu cử". Còn bà Akira Takei, Giám đốc quản lý quỹ thu nhập cố định của Công ty Asset Management One (Nhật Bản), nhận định vòng tranh luận này cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ diễn ra cân tài cân sức, có thể dẫn đến kết quả không rõ ràng trong ngày bầu cử 3-11 tới.
 
Về phần mình, Tổng thống Trump hôm 8-10 nỗ lực đẩy mạnh trở lại chiến dịch tranh cử. Khẳng định Covid-19 là "lỗi của Trung Quốc", ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ bắt quốc gia này "trả giá đắt vì những gì đã gây ra với thế giới", dường như ám chỉ những chính sách thương mại cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong thời gian tới. 
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới