Văn hóa khẩu trang của người Nhật

Thứ bảy, 24 Tháng 10 2020 15:46 (GMT+7)
Rất lâu trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, người Nhật luôn cảm thấy thoải mái với việc sử dụng khẩu trang, một mặt để bảo vệ sức khỏe, mặt khác phù hợp với các chuẩn mực xã hội xứ hoa anh đào.
Giới trẻ Nhật đeo khẩu trang ra đường trong mùa dịch. Ảnh: AFP
Giới trẻ Nhật đeo khẩu trang ra đường trong mùa dịch. Ảnh: AFP
 
Trong bối cảnh công dân nhiều nước bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề cho rằng đeo khẩu trang là không cần thiết, không hiệu quả trong phòng chống SARS-CoV-2 hoặc vi phạm quyền tự do cá nhân, người Nhật đã làm theo những gì mà giới chuyên gia khuyến cáo là nên thường xuyên đeo khẩu trang. Mặc dù việc làm này có thể không phải là lý do duy nhất khiến xứ Mặt trời mọc có tỷ lệ mắc COVID-19 và tử vong tương đối thấp, nhưng các nhà dịch tễ học cho rằng nó chắc chắn đóng vai trò to lớn. Tính đến ngày 23-10, Nhật Bản ghi nhận hơn 94.000 ca nhiễm virus Corona, gồm 1.685 ca tử vong. Trong khi đó, Mỹ ghi nhận gần 8,7 triệu ca nhiễm, với hơn 228.000 trường hợp tử vong.
 
Lâu nay, Nhật Bản là nước có “văn hóa sạch sẽ”, mọi người thường xuyên rửa tay, cúi chào trong các tình huống trang trọng thay vì bắt tay và đặc biệt là không hôn lên má để chào bạn bè hoặc người thân. Tương tự, đeo khẩu trang nơi công cộng là thói quen được duy trì tại Nhật Bản trong hơn một thế kỷ qua và nó được cho bắt nguồn từ các lễ hội tôn giáo.
 
Từ xa xưa, người Nhật thường treo những chiếc lá “sakai” linh thiêng trước miệng để ngăn “hơi thở ô uế” làm vấy bẩn các nghi lễ và lễ hội tôn giáo. Vào thời kỳ Minh Trị bắt đầu năm 1868, khẩu trang đã được xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật. Vào cuối những năm 1800, khi Nhật Bản bắt đầu hiện đại hóa và bắt kịp các nước phương Tây, mối lo ngại dễ bị lây nhiễm bệnh đã khiến nhiều người đổ xô mua khẩu trang để tự bảo vệ mình. Việc sản xuất và đeo khẩu trang tăng vọt vào năm 1918, khi Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi đại dịch cúm Tây Ban Nha, vốn khiến hơn 50 triệu người tử vong trên toàn cầu.
 
Giới học giả ước tính, đại dịch cúm Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng của khoảng 257.000-481.000 người Nhật (có nghiên cứu cho là 2,02 triệu người). Kể từ đó, việc đeo khẩu trang được người Nhật duy trì cho đến ngày hôm nay, đặc biệt là vào mùa cúm hoặc những tháng mùa xuân, thời điểm nhiều người bị dị ứng phấn hoa. Năm 2018, Nhật Bản sản xuất hoặc nhập khẩu hơn 5,5 tỉ chiếc khẩu trang. Theo Công ty tư vấn tiếp thị Fuji Keizai, tổng doanh thu bán khẩu trang dùng một lần của Nhật Bản khi đó lên tới 35,8 tỉ yen.
 
“Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã khiến mọi người thực sự nhận ra tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang. Kể từ đó, chúng tôi xem đeo khẩu trang như là biện pháp phòng dịch hợp lý. Hiện đeo khẩu trang là một phần văn hóa của Nhật Bản và không ai thắc mắc về chuyện này” - Yoko Tsukamoto, giáo sư về kiểm soát bệnh truyền nhiễm ở Đại học khoa học sức khỏe Hokkaido, nói với tờ Deutsche Welle (Đức).
 
Còn Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông Đại học Hokkaido Bunkyo, cho rằng người Nhật đeo khẩu trang để cho những người xung quanh thấy rằng họ đang tuân thủ các quy tắc cho dù đó là những quy tắc bất thành văn, cũng như để không ai có thể đổ lỗi cho họ nếu bị bệnh.
 
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới