Ảnh: CNN
Cậu và những người bạn được một người đàn ông trong làng cho 500 ruppee (khoảng 7 USD) để “đi du lịch” đến Jaipur. Khi chiếc xe buýt đến Jaipur, nó đã bị cảnh sát chặn lại. Người đàn ông đó cùng với 2 nghi phạm khác bị bắt và bị buộc tội theo luật chống buôn bán trẻ em Ấn Ðộ. 19 đứa trẻ, gồm Mujeeb, đã được giải cứu. Cảnh sát Jaipur cho hay, nhiều khả năng số trẻ này sẽ được đưa đến các nhà máy sản xuất vòng tay để bán làm nhân công với giá rẻ mạt.
Ở Ấn Ðộ, trẻ em được phép tham gia lao động từ 14 tuổi trở lên nhưng chỉ được làm các công việc gia đình và không làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Tuy nhiên, do nền kinh tế quốc gia Nam Á bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề, nhiều người mất việc làm và khiến không ít gia đình đã phải để con em đi làm kiếm tiền. Song, làm việc trong những xưởng sản xuất vòng tay sơn mài là công việc nguy hiểm, đòi hỏi thao tác sơn mài trên than đang cháy. Theo luật pháp Ấn Ðộ, sản xuất vòng đeo tay là một trong những ngành không được tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi.
Khi Ấn Ðộ triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 hồi tháng 3, các trường học và nơi làm việc đều đóng cửa. Hàng triệu trẻ em nước này khi đó đã bị tước đi bữa ăn trưa ở trường, trong khi nhiều người mất việc. Những kẻ buôn người đã nhắm vào những gia đình tuyệt vọng về tài chính. Trong giai đoạn từ tháng 4-9, 1.127 trẻ em được nghi là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em đã được giải cứu trên khắp Ấn Ðộ trong khi 86 kẻ bị cáo buộc buôn người bị bắt giữ. Hầu hết nạn nhân đến từ vùng nông thôn các bang nghèo như Jharkhand hay Bihar.
Theo các chuyên gia, các vụ buôn bán trẻ em có thể xảy ra theo nhiều cách. Ðôi khi trẻ bị dụ bằng những lời hứa hão huyền mà cha mẹ chúng không hề hay biết, như trường hợp của Mujeeb, hay một số phụ huynh kiệt quệ tài chính buộc phải cho con em đi làm kiếm tiền gửi về nhà. Khảo sát của Tổ chức Trẻ em Satyarthi đối với 245 hộ gia đình ở 5 bang có điều kiện kinh tế khó khăn, gồm Bihar, phát hiện có đến 21% số người được hỏi sẵn sàng để con cái dưới 18 tuổi đến các khu vực thành thị làm việc. Song, không chỉ cha mẹ mới rơi vào tình cảnh không còn lựa chọn nào khác, chính trẻ em cũng cảm thấy bị thôi thúc phải đi kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Một số trẻ được giải cứu cho biết, chúng bị buộc làm việc không lương trong điều kiện khắc nghiệt. Nhiều em còn bị đánh đập, bị những kẻ buôn người kiểm soát chặt chẽ, do đó không có cách nào trốn thoát hoặc liên lạc với gia đình. Ðơn cử như trường hợp của Nishad, cậu cùng với 5 đứa trẻ khác bị nhốt trong một căn phòng kín, bị buộc làm vòng đeo tay 15 tiếng mỗi ngày, không có cách nào để báo cho chính quyền địa phương hoặc liên lạc với gia đình. “Thù lao” của các em là một bữa ăn vào lúc nửa đêm và khoảng 50 rupee (0,7 USD) vào ngày Chủ nhật.
Trong bối cảnh trên, nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em được đặt ra. Pramila Kumari, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ quyền trẻ em bang Bihar, cho biết cơ quan này đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống buôn bán trẻ em, đồng thời đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích dành cho giới chức địa phương cũng như tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến thảo luận vấn đề này. “Chúng tôi đã gửi thư tới tất cả các thẩm phán quận cũng như các tổ chức phi chính phủ. Nếu có những trường hợp tương tự diễn ra, họ cần phải có hành động ngay lập tức” - bà Kumari cho hay.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)