Nhân viên bầu cử kiểm phiếu tại Philadelphia, bang Pennsylvania. Ảnh: Getty Images
Theo luật của Pennsylvania, cử tri có tối đa 6 ngày kể từ thời điểm bầu cử trực tiếp 3-11 để bổ sung hoặc sửa chữa thông tin xác minh trên lá phiếu họ gởi qua bưu điện. Tuy nhiên, người phụ trách quan hệ đối ngoại của bang Pennsylvania Kathy Boockvar đầu tháng này ra hướng dẫn kéo dài thời hạn từ ngày 9 lên 12-11.
Tuần rồi, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện thách thức quyết định của bà Boockvar. Hôm 5-11, Tòa án Pennsylvania yêu cầu tách riêng những lá phiếu đến sau ngày bầu cử cho đến khi có quyết định tiếp theo. Ðến ngày 12-11, thẩm phán Mary Hannah Leavitt xác định bà Boockvar “thiếu thẩm quyền theo luật định” để ban hành hướng dẫn thay đổi thời hạn. Trên cơ sở này, tòa yêu cầu ủy ban bầu cử các hạt thuộc bang Pennsylvania không đếm những lá phiếu đã được tách riêng theo phán quyết trước đó.
Không rõ bao nhiêu phiếu bị ảnh hưởng, nhưng các quan chức dự đoán có khoảng 10.000 phiếu. Con số này được cho không ảnh hưởng đến chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trước ông Trump tại Pennsylvania. Tính đến chiều 13-11, ông Biden dẫn trước tổng thống đương nhiệm khoảng 57.000 phiếu tại bang này, theo Guardian.
Ðây không phải vụ kiện duy nhất sau bầu cử khi chiến dịch của ông Trump và phe Cộng hòa đưa ra hàng loạt thách thức pháp lý về hình thức bỏ phiếu qua thư cùng công tác kiểm phiếu ở các bang chiến trường. Ðội ngũ của tổng thống đặc biệt tìm cách để tòa án cấm giới chức tiểu bang chứng nhận kết quả bầu cử trong lúc diễn ra kiện tụng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động này “rất ít cơ hội thành công”.
Dù vậy, nhiều quan chức cấp cao đảng Cộng hòa tại Quốc hội vẫn đang bảo vệ nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử.
Theo cố vấn Karl Rove của cựu Tổng thống George Bush, ông Trump muốn chiến thắng cuộc chiến pháp lý thì cần phải chứng minh sự gian lận có hệ thống đối với hàng chục ngàn phiếu bầu bất hợp pháp. Vấn đề là phe tổng thống đến nay vẫn chưa đưa ra bằng chứng thuyết phục nào. “Trừ khi nhân tố mới nhanh chóng xuất hiện, cơ hội của tổng thống trước tòa sẽ giảm mạnh khi các bang bắt đầu chứng nhận kết quả” - ông Rove nói thêm.
Trong khi đó, BBC dẫn tuyên bố của một nhóm quan chức cấp cao Mỹ chịu trách nhiệm về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử khẳng định, họ không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng đã bị “xâm phạm”. Tuyên bố thậm chí coi sự kiện bầu cử năm nay là “an toàn nhất trong lịch sử Mỹ”.
Trong diễn biến liên quan, cựu Tổng thống Barack Obama đã chỉ trích các quan chức đảng Cộng hòa “dung túng” cho những cáo buộc không có cơ sở của ông Trump về gian lận bầu cử. Ðối với việc đảng này “tiếp tay cho một tổng thống không thích thua và chưa bao giờ nhận thua cuộc”, ông Obama cảnh báo đây là hành vi “phá hoại” không chỉ với chính quyền mới của ông Biden mà còn cả nền dân chủ nói chung. Tuyên bố được đưa ra sau lời kêu gọi của hai thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ - Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer - yêu cầu phe Cộng hòa chấp nhận thực tế với chiến thắng thuộc về ông Biden.
Sáng 13-11, các hãng truyền thông Mỹ đưa ông Biden đã giành chiến thắng tại bang Arizona với tổng số 1.668.684 phiếu bầu (chiếm 49,4%), trong khi Tổng thống Trump chỉ được 1.657.250 phiếu (49,1%), kém 11.434 phiếu so với đối thủ.
Ngày 13-11, Trung Quốc đã chúc mừng ông Biden. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ. Chúng tôi gửi lời chúc mừng tới ông Joe Biden và bà Kamala Harris”.
MAI QUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)