Nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh và hiện trường vụ ám sát. Ảnh: Reuters
Các hãng tin Tasnim và Fars của Iran cho biết vụ ám sát xảy ra ở thành phố Absard thuộc tỉnh Damavand ở miền Đông, khi một nhóm ít nhất 5 tay súng đánh bom một ô tô, trước khi nổ súng xối xả vào xe chở nhà khoa học Fakhrizadeh và các cận vệ. Nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh được trực thăng đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng các y bác sĩ không thể hồi phục sự sống cho ông. Hiện trường vụ phục kích là khu vực có lối thoát hiểm an toàn nhờ núi non hùng vĩ nằm cách thủ đô Tehran khoảng 70km về phía Đông.
Nghi vấn Israel
Dù chưa rõ ai thật sự là thủ phạm, nhiều quan chức Iran lên tiếng cáo buộc Israel, thậm chí cả Mỹ, đứng đằng sau vụ ám sát dã man này. Viết trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nêu rõ “vụ ám sát đê hèn này có những dấu hiệu nghiêm trọng về vai trò của Israel”. Chỉ huy lục quân Iran, thiếu tướng Abdolrahim Mousavi khẳng định “bàn tay tội ác” của Mỹ và Israel “bị nhìn thấy rõ ràng” trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh. Trong lá thư gửi cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi cũng cho rằng vụ ám sát này “có những chỉ dấu nghiêm trọng về trách nhiệm của Iran”. Lá thư đồng thời nhấn mạnh “Iran cảnh báo bất kỳ biện pháp phiêu lưu nào của Mỹ và Israel chống lại Tehran, đặc biệt trong thời gian còn lại của chính quyền Mỹ đương nhiệm”.
Viết cho tờ The Telegraph của Anh, ông Holly Dagres - nhà nghiên cứu của tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington, nhận định việc thủ tiêu trên xe hơi được cho là đặc hiệu của cơ quan tình báo Israel Mossad, nơi đã triển khai chiến thuật như vậy nhằm vào nhiều nhà khoa học hạt nhân Iran giai đoạn 2010-2012. Nhưng vụ ám sát lần này lại dấy lên nghi vấn về sự can dự của Mỹ sau khi Tổng thống Trump mới đây xem xét các giải pháp tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran trước cuối nhiệm kỳ. Việc Mỹ điều oanh tạc cơ B-52 đến Trung Đông để “trấn an đồng minh” trong khi quân đội Israel nâng mức báo động cao cho thấy chính quyền Trump đã chuẩn bị kế hoạch tấn công Iran.
Nghi vấn trên có cơ sở khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tháng 4-2018 từng “điểm danh” Fakhrizadeh là nhân vật trung tâm - là cha đẻ của chương trình vũ khí hạt nhân bí mật Iran. “Hãy nhớ cái tên đó, Fakhrizadeh”, ông Netanyahu đặc biệt nhấn mạnh khi xem hồ sơ mật được đánh cắp của Mossad.
Iran chưa bao giờ chấp nhận yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để các thanh sát viên LHQ thẩm vấn ông Fakhrizadeh vì cho rằng ông chỉ là một viện sĩ giảng dạy ở Đại học Imam Hussein tại Tehran. Tuy nhiên, nhà khoa học hạt nhân 59 tuổi này lại nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ năm 2008 vì “những hoạt động và giao dịch góp phần phát triển chương trình hạt nhân của Iran”. Nhiều báo cáo mật năm 2007 của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dưới thời Tổng thống George Bush cũng nói rằng vai trò viện sĩ của ông Fakhrizadeh chỉ là vỏ bọc. Trong báo cáo “đánh giá lần cuối” năm 2015 của IAEA, ông Fakhrizadeh cũng là nhà khoa học hạt nhân duy nhất được xác định là người giám sát “các hoạt động mở rộng khả năng quân sự cho chương trình hạt nhân của Iran”.
Châm ngòi xung đột
Trita Parsi, phó chủ tịch Viện Quincy tại Washington, cho biết ông Fakhrizadeh là nhà vật lý hạt nhân cao cấp và là người đứng đầu của Tổ chức nghiên cứu và sáng tạo thuộc Bộ Quốc phòng Iran. Michael P. Mulroy, cựu quan chức quốc phòng cao cấp phụ trách khu vực Trung Đông của Mỹ xác định nhà khoa học bị ám sát cũng là sĩ quan cao cấp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC). Vì thế, có ý kiến so sánh vụ ám sát này tương đương với vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt ông Qassem Soleimani, vị tướng tư lệnh quân sự quyền lực nhất của Iran hồi đầu năm nay, diễn ra tại gần sân bay quốc tế Baghdad của Iraq. Tướng Soleimani là chỉ huy của Lực lượng Quds chuyên về hoạt động tình báo và tác chiến đặc biệt của IRGC. Iran khi đó đã đáp trả bằng nhiều đợt bắn tên lửa vào một căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.
Iran chắc hẳn cũng sẽ trả thù cho cái chết của ông Fakhrizadeh. Tham mưu trưởng quân đội Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri đã cảnh báo về “sự trả thù tàn khốc” nhằm vào những đối tượng đứng sau vụ ám sát. Cựu Giám đốc CIA John Brennan cho rằng vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran có nguy cơ kích động xung đột trong khu vực. Theo ông, “một hành vi khủng bố được nhà nước tài trợ như vậy sẽ là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và kích động thêm nhiều chính phủ thực hiện những cuộc tấn công thảm khốc nhằm vào các quan chức nước ngoài”. Tuy nhiên, tấn công trả đũa vào thời điểm này có thể là cái bẫy dẫn đến một cuộc xung đột ngoài ý muốn. Do đó, ông Brennan kêu gọi Iran kiềm chế và “chờ đợi sự trở lại có trách nhiệm của nước Mỹ trên vũ đài toàn cầu”.
Phát biểu của cựu quan chức CIA dưới thời Tổng thống Barack Obama có lẽ khuyên Iran nên tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột do chính quyền Trump mong muốn và chờ chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden lên thay. Hossein Dehghan, cố vấn quân sự của nhà lãnh đạo tối cao Iran và là cựu quan chức cấp cao của IRGC, cũng cáo buộc Israel cố tình khiêu khích gây ra một cuộc chiến tranh tổng lực trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28-11 cáo buộc chính Israel đứng đằng sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân lỗi lạc Fakhrizadeh, nhưng cho rằng đó là hành động của kẻ “đánh thuê” cho Mỹ. Vì vậy, dù cam kết sẽ trả thù cho người anh hùng “tử vì đạo” Fakhrizadeh, ông Rouhani tuyên bố Iran sẽ không rơi vào bẫy của Israel. “Nhân dân của chúng tôi khôn ngoan hơn là rơi vào bẫy của chế độ Do Thái. Họ đang nghĩ có thể tạo hỗn loạn. Iran chắc chắn sẽ đáp trả cho nhà khoa học tử vì đạo của chúng ta ở thời điểm thích hợp”, ông Rouhani nhấn mạnh.
Mục tiêu quan trọng của chính quyền Trump là phá hoại mọi nỗ lực nếu có của chính quyền Joe Biden trong việc đàm phán và khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1. Thỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã bị ông Trump xé toạc hồi tháng 5-2018.
Cái chết của ông Fakhrizadeh, người mà phương Tây gọi là “kiến trúc sư” của chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iran từ năm 2003, được đánh giá có thể là bước lùi nhưng không thể ngăn chặn năng lực vũ khí hạt nhân của Iran, bởi chương trình này không thể phụ thuộc vào một người. Theo bà Ellie Geranmayeh, phó giám đốc và là nhà nghiên cứu chính sách cao cấp của chương trình Trung Đông - Bắc Phi thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, mục tiêu của vụ ám sát không phải là cản trở chương trình hạt nhân của Iran mà là phá hoại ngoại giao. Bà lưu ý rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Israel và Saudi Arabia mới đây có thể đã “giương cao ngọn cờ điều gì đó đang được nung nấu để khiêu khích Iran và làm phức tạp thêm động thái ngoại giao của ông Biden”.
KIẾN HÒA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)