Binh sĩ Nga tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno - Karabakh. Ảnh: BBC
Ngày 30-11, quân đội Azerbaijan đã tiến vào huyện Lachkhu, địa phương cuối cùng trong số 3 huyện được Armenia trao trả theo quy định của thỏa thuận chấm dứt 6 tuần giao tranh đẫm máu tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh. Trước đó, quân đội Azerbaijan đã tiếp quản huyện Kalbajar vào ngày 25-11 và huyện Aghdam vào ngày 20-11.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorno - Karabakh hôm 9-11 sau hơn một tháng xảy ra giao tranh. Theo thỏa thuận, Nga đã triển khai 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình tại khu vực tiền tuyến Nagorno - Karabakh và hành lang giữa khu vực này với Armenia nhằm giám sát lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, Armenia nhất trí trả lại 15-20% lãnh thổ vùng Nagorno - Karabakh mà lực lượng Azerbaijan đã giành quyền kiểm soát trong thời gian bùng phát xung đột vừa qua.
Mát-xcơ-va ca ngợi thỏa thuận này như là bằng chứng cho thấy Nga vẫn là lực lượng có ảnh hưởng ở Nam Kavkaz. Song, giải pháp của xứ bạch dương đối với cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan bị đánh giá là không hoàn hảo, bởi nó làm suy yếu tuyên bố của Nga về khả năng khống chế các cuộc xung đột ở Nam Kavkaz, thậm chí gây ra hậu quả tiêu cực đối với vai trò địa chính trị tương lai của Nga ở khu vực vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nổi lên như là một đối thủ của Nga ở chính “sân sau” của Mát-xcơ-va. Chính sự hỗ trợ về mặt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp Azerbaijan đánh bại Armenia. Không những vậy, Nga còn đồng ý cho các quan sát viên quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nam Kavkaz để giám sát lệnh ngừng bắn. Konstantin von Eggert, chuyên gia phân tích chính trị độc lập, cho rằng những gì xảy ra ở Nagorno - Karabakh thực sự là thảm họa chính trị đối với ảnh hưởng của Nga. “Trên thực tế, chúng tôi đã thấy đội quân Armenia do Nga huấn luyện và trang bị bị đội quân Azerbaijan do Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện và trang bị đánh bại. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ có được chỗ đứng rất quan trọng tại khu vực. Qua đó cho thấy các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Iran có thể thâm nhập sâu hơn vào “sân sau” của Nga ở Trung Á và Nam Kavkaz mà không cần tham vấn quá nhiều với Mát-xcơ-va hoặc sợ bị Điện Kremlin trả đũa” - chuyên gia Eggert nhận định.
Còn tại vùng Nagorno - Karabakh do Armenia kiểm soát, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga cũng có mặt để bảo vệ dân chúng Armenia nhưng người dân tại đây dường như không hào hứng khi nhìn thấy họ. “Người Armenia chúng tôi luôn nghĩ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là một người tốt và đứng về phía chúng tôi. Nhưng với thỏa thuận ngừng bắn, ông ấy đã cho Azerbaijan quá nhiều. Đó quả thật là điều sai lầm” - một dân làng bày tỏ.
Quả thật, 2020 là năm đầy thách thức về địa chính trị đối với Nga. Tại Belarus, đồng minh thân cận nhất của Nga, bất chấp những dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin ngày càng mất kiên nhẫn đối với Tổng thống Alexander Lukashenko, quyết định ủng hộ ông Lukashenko của Mát-xcơ-va đã làm thổi bùng làm sóng chống đối Nga hiếm thấy ở Belarus.
Còn tại Moldova, Tổng thống đương nhiệm Igor Dodon có quan điểm thân Nga bị chính trị gia thân phương Tây Maia Sandu đánh bại trong cuộc bầu cử hồi tháng rồi. Song, dù có thất bại nhưng Nga vẫn có cách tạo ảnh hưởng tại nước láng giềng này. Theo đó, khoảng 1.500 binh sĩ Nga với tư cách là những người gìn giữ hòa bình đang đồn trú tại Moldova. Số binh sĩ này được cho sẽ tạo đòn bẩy chính trị cho Điện Kremlin nếu giới lãnh đạo Moldova cố gắng xoay trục khỏi tầm ảnh hưởng của Mát-xcơ-va.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)