Nga muốn gì ở Afghanistan?

Chủ nhật, 13 Tháng 12 2020 07:16 (GMT+7)
Tờ The Diplomat nhận định, sự hiện diện của Nga ở Trung Á là nhằm kiềm chế các mối đe dọa tại Afghanistan và điều này càng được chú ý khi Mỹ quyết định rút bớt quân ra khỏi quốc gia này.
Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: VOA
Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: VOA
 
Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong đoạn video gửi tới Hội nghị Quốc tế về Afghanistan diễn ra tại Thụy Sĩ đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang bạo lực ở quốc gia Nam Á. Ðặc biệt, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh các tay súng tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tập trung lực lượng ở các tỉnh phía Bắc Afghanistan nhằm tạo bàn đạp mở rộng hoạt động sang Trung Á - khu vực được Nga xem là “sân sau” của mình. Mối lo ngại của ông Lavrov được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cắt giảm số binh sĩ đang đồn trú tại Afghanistan xuống còn 2.500 người vào giữa tháng 1-2021.
 
Lâu nay, giới chức Nga nhiều lần tỏ ra quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của các nhóm khủng bố quốc tế ở miền Bắc Afghanistan. Ðơn cử, Ngoại trưởng Lavrov hồi tháng 11-2018 từng đề cập đến vấn đề này trong bài phát biểu tại Hội nghị về Afghanistan được tổ chức ở thủ đô Mát-xcơ-va, qua đó khẳng định IS nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài để biến Afghanistan thành bàn đạp tấn công vào Trung Á. Còn hồi tháng 1-2019, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Zubkov cũng bày tỏ lo ngại rằng các tay súng IS đang “hồi sinh” và sẵn sàng tấn công vào biên giới Tajikistan.
 
Theo giới quan sát, việc Nga liên tục cảnh báo về các mối nguy từ Afghanistan là nhằm có cớ để duy trì, thậm chí gia tăng ảnh hưởng của Mát-xcơ-va tại khu vực. Hiện tại, quân đội Nga chỉ hiện diện giới hạn tại căn cứ số 201 ở Tajikistan, căn cứ không quân ở miền Bắc Kyrgyzstan và bãi thử ngư lôi tại miền Ðông Kyrgyzstan. Các cơ sở quân sự này cho phép Nga duy trì ảnh hưởng chính trị ở Trung Á và thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang địa phương.
 
Việc các lực lượng phương Tây đang dần rút khỏi Afghanistan được xem là cơ hội để Nga mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Giới quan sát đánh giá quyết định rút quân là một thất bại của Washington ở Afghanistan, bởi nó tạo điều kiện cho Mát-xcơ-va nắm giữ vai trò nhà trung gian chủ chốt trong việc giải quyết xung đột tại nước này. Thật ra, có suy đoán cho rằng quan hệ giữa
Mát-xcơ-va và lực lượng nổi dậy Taliban ở Afghanistan không chỉ giới hạn ở các cuộc đàm phán ngoại giao với chính quyền Kabul, mà còn là sự phối hợp nhằm chống lại IS. Thậm chí có thông tin cho rằng Nga đang cung cấp vũ khí và nhiên liệu cho Taliban thông qua các quốc gia Trung Á.
 
Dẫu Nga có thể không đủ nguồn lực để hiện thực hóa tham vọng mở rộng ảnh hưởng địa chính trị ở Trung Á, nhưng nước này đang cố gắng bằng mọi cách duy trì và củng cố sự hiện diện của mình tại khu vực và Afghanistan rõ ràng là nhân tố cốt lõi trong nỗ lực đó. Kể từ thế kỷ 19, Afghanistan đã trở thành đối tượng cạnh tranh giữa Nga và các cường quốc khác. Gần đây, cáo buộc về việc tình báo quân đội Nga treo thưởng cho Taliban để tìm giết các binh sĩ Mỹ và đồng minh cho thấy Afghanistan vẫn là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây.
 
Hiện chính sách của Nga tại Afghanistan phản ánh các ưu tiên của nước này đối với khu vực, như duy trì ảnh hưởng và ngăn chặn Mỹ mở rộng các căn cứ quân sự; thách thức Mỹ trong bối cảnh quan hệ Mát-xcơ-va - Washington xấu đi; đảm bảo an ninh và ngăn chặn tình trạng mất ổn định tại khu vực biên giới Afghanistan - Trung Á; cố gắng giữ Afghanistan là một quốc gia trung lập, không thể để các cường quốc khác như Mỹ dùng làm bệ phóng chống lại Nga. Vị trí địa chiến lược của Afghanistan, vốn được các nước Trung Quốc, Ấn Ðộ, Iran và Pakistan xem như là nơi lý tưởng để triển khai các dự án vận tải và năng lượng tại khu vực, chính là yếu tố quan trọng thu hút Nga can dự sâu hơn vào Afghanistan.
 
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới