Các nước tranh giành thị phần rượu vang Trung Quốc

Thứ bảy, 02 Tháng 1 2021 07:36 (GMT+7)
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Úc, nhưng trong bối cảnh tương lai các nhà sản xuất rượu vang xứ chuột túi gặp khó khăn tại thị trường đông dân nhất thế giới, các đối thủ trên khắp thế giới lao vào giành thị phần.
Rượu vang Úc được trưng bày tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: AFP
Rượu vang Úc được trưng bày tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: AFP
 
Trung Quốc chiếm hơn 1/3 lượng rượu vang xuất khẩu của Úc. Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 122 triệu lít rượu vang Úc với tổng trị giá lên tới khoảng 2,45 tỉ USD. Tuy nhiên, cùng với mối quan hệ chính trị giữa 2 nước ngày càng xấu đi, các nhà sản xuất rượu vang Úc được cho bị Trung Quốc trừng phạt bằng những mức thuế cao chót vót.
 
Trong bối cảnh đó, nhà sản xuất rượu vang của Kazakhstan Zeinulla Kakimzhanov liên tục nhận yêu cầu của các nhà nhập khẩu rượu vang Trung Quốc. Thời gian qua, Kakimzhanov bán một số loại rượu vang của Kazakhstan như Rieslings, Pinot noirs, Saperavi và Aligoté ở Trung Quốc nhưng hiện cũng đang tìm cách bán thêm nhiều loại rượu khác. “Các nhà nhập khẩu rượu Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn nhập khẩu rượu mới để thay thế rượu nhập khẩu từ Úc. Từ lâu, Trung Quốc xem Kazakhstan là đối tác nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp lâu dài. Các căng thẳng thương mại đang nổi lên giữa Trung Quốc và Úc sẽ thúc đẩy Kazakhstan xuất khẩu rượu sang Trung Quốc. Chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian nhưng ít nhất cũng đã có một sự khởi đầu” - ông Kakimzhanov cho biết.
 
Các nhà sản xuất rượu ở những nơi khác cũng nhìn thấy cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh áp đặt mức thuế chống bán phá giá lên tới 212,1% và chống trợ cấp 6,4% đối với rượu nhập khẩu của Úc. Mức thuế này sẽ được áp dụng cho tới khi cuộc điều tra của Trung Quốc kết thúc, có thể là vào tháng 8-2021. Với mức thuế mới, giá rượu vang Úc tại Trung Quốc tăng gấp đôi hoặc ba lần, khiến việc tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới trở nên khó khăn đối với các nhà xuất khẩu rượu vang xứ chuột túi. Theo Cục Thống kê Úc, xuất khẩu rượu vang đỏ của nước này trong tháng 11 giảm tới 52% sau 2 tháng xuất khẩu khá mạnh.
 
Tommy Keeling, Giám đốc nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại hãng phân tích thị trường đồ uống IWSR, cho rằng nếu mức thuế trên được duy trì trong một thời gian, Chile sẽ có lợi thế nhất, bởi Santiago có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Bắc Kinh và có thể cung cấp giải pháp thay thế gần nhất về chủng loại và giá cả. Ông Keeling cho rằng thị trường Trung Quốc là cứu cánh cho các nhà sản xuất rượu vang Chile bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề. Song, Chile không “một mình một ngựa” trong cuộc tranh giành thị phần rượu vang Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay, cứ 100 chai rượu nhập khẩu vào Trung Quốc thì có 38 chai của Úc, 26 chai của Pháp, 13 của Chile, 7 của Ý và 6 của Tây Ban Nha.
 
Kazakhstan và Serbia là 2 cái tên mới nhảy vào thị trường Trung Quốc. Nhà sản xuất rượu vang Kakimzhanov tin rằng Kazakhstan có thể thay thế 10-15% thị phần xuất khẩu của các đối thủ Úc tại Trung Quốc trong tương lai gần và sẽ vươn lên 50% trong 10 năm tới. Năm 2019, rượu vang Úc chiếm 25,8% kim ngạch nhập khẩu rượu vang của Trung Quốc.
 
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới