Mối đe dọa trong lòng nước Mỹ

Chủ nhật, 10 Tháng 1 2021 15:54 (GMT+7)
Cuộc tấn công của những kẻ quá khích vào tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6-1 đã để lại “vết nhơ” cho nền dân chủ nước này, nhưng đây có thể chỉ là “phát súng đầu tiên” trong âm mưu kích động nội chiến mới của các nhóm cực đoan nếu chính quyền Mỹ không sớm có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Những người được cho ủng hộ ông Trump trước tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6-1. Ảnh: Getty Images
 
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 8-1 thông báo đã buộc tội 15 đối tượng tham gia cuộc tấn công Ðồi Capitol, trong đó có 1 người đàn ông bị cáo buộc mang theo những quả bom tương tự bom napalm, 1 người đàn ông mang theo 11 quả bom xăng trong xe tải và 1 đối tượng khác xâm nhập vào văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Trong danh sách những người bị buộc tội còn có đại biểu đảng Cộng hòa Del. Derrick Evans thuộc cơ quan lập pháp bang West Virginia. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết những kẻ gây náo loạn ở Quốc hội Mỹ sẽ đối mặt với các tội danh xúi giục và nổi loạn. Tổng thống đắc cử Joe Biden gọi những kẻ gây rối là “khủng bố” và sẽ bị trừng trị thích đáng. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ được cho khó triệt hạ những kẻ đứng đằng sau cuộc “đột kích” kinh hoàng làm 5 người chết, bao gồm 1 cảnh sát.
 
Mục tiêu của những kẻ gây rối
 
Hãng tin Reuters ngày 9-1 mô tả: “Khi hầu hết người Mỹ giật mình kinh hãi trước cảnh bạo loạn và hỗn loạn tại Ðồi Capitol thì một số phần tử cánh hữu và cực đoan chống chính phủ xem bạo lực là việc làm tròn nghĩa vụ yêu nước hoặc cơ hội thúc đẩy chương trình nghị sự của họ”. Một trong những kẻ hoan hỉ cuộc tấn công chấn động là Mike Dunn, thành viên mới 20 tuổi của phong trào chống chính phủ “boogaloo” vốn kỳ vọng vào một cuộc cách mạng lật đổ chính quyền liên bang hoặc một cuộc nội chiến lần 2. Dunn không tham gia vào cuộc bao vây Ðồi Capitol mà chỉ chia sẻ đoạn phim trên mạng xã hội với mục đích cho thấy các thành viên “boogaloo” đã đụng độ với cảnh sát và buộc họ phải nhảy ra khỏi hàng rào bên ngoài tòa nhà quốc hội. Ðáng chú ý, phần lớn các thành viên “boogaloo” là những người theo trường phái tự do và không ưa gì Tổng thống Donald Trump nên cuộc xâm nhập là cơ hội để phong trào này tấn công vào trung tâm quyền lực Mỹ.
 
Dunn, sống tại bang Virginia, cho biết có 3 hay 4 nhóm trung thành dưới sự điều khiển của anh ta đã hỗ trợ cuộc đột nhập vào biểu tượng quyền lực của nước Mỹ và hy vọng “boogaloo” sẽ thúc đẩy mưu đồ của mình bằng việc tham gia các cuộc biểu tình, kể cả các sự kiện phản đối kết quả bầu cử. Dunn cho biết phong trào này có thể sẽ làm việc “toàn thời gian” để thực hiện tham vọng trên. Khi được hỏi liệu “boogaloo” có kế hoạch tấn công Ðồi Capitol lần nữa hay không,  Dunn trả lời: “Chỉ cần biết sẽ có nhiều cuộc tấn công sắp đến”.
 
Liên minh mới nguy hiểm hơn
 
Theo ông Devin Burghart, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu và giáo dục quyền con người, những người biểu tình đột nhập vào tòa nhà quốc hội Mỹ có một số thành phần cực đoan ủng hộ Tổng thống Trump, bao gồm nhóm dân tộc da trắng, nhóm dân quân và nhóm theo thuyết âm mưu ảo tưởng Qanon. Ông Burghart nhận định những nhóm cực đoan này đã thiết lập một liên minh mới và tổ chức các cuộc biểu tình không ngừng nghỉ sau khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử năm ngoái. Amy Cooter, nhà xã hội học cao cấp của Ðại học Vanderbilt, cho biết các nhóm cực đoan này trước đây không hợp tác do đấu đá lẫn nhau và mâu thuẫn cá nhân, nhưng sự việc tại Ðồi Capitol hôm 6-1 có thể tạo cảm hứng cho họ cố gắng phối hợp với nhau chặt chẽ hơn trong tương lai.
 
Cụ thể, bà Cooter cảnh báo lễ nhậm chức tổng thống của ông Biden ngày 20-1 sắp tới có thể là mục tiêu của liên minh cực đoan nguy hiểm này. Hồi tháng 9-2020, Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng có cáo báo mật cảnh báo rằng các nhóm cực hữu và thượng đẳng da trắng đang đặt ra mối đe dọa cực đoan bạo lực tại nước Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn bầu cử và nhậm chức tổng thống. Ðể trấn an dư luận, Mật vụ Mỹ đưa ra tuyên bố họ đã chuẩn bị kế hoạch từ lâu và đang sẵn sàng bảo vệ an ninh cho ngày nhậm chức. “Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ là yếu tố căn bản của nền dân chủ. Sự an toàn và an ninh cho tất cả những người tham dự lễ nhậm chức tổng thống lần thứ 59 là tối quan trọng”, Mật vụ Mỹ nhấn mạnh.
 
Mối đe dọa thường trực
 
 Ngoài lễ nhậm chức của ông Biden, bà Cooter đánh giá bất kỳ chính sách mới nào của ông chủ Nhà Trắng tương lai nhằm giải quyết vấn đề sắc tộc và bình đẳng giới cũng đều có thể khiến các nhóm cực đoan nổi loạn. Tom O’Connor, cựu đặc vụ của FBI, lo ngại các nhóm cực hữu và những người theo thuyết âm mưu hão huyền cảm thấy rằng cuộc tấn công Ðồi Capitol chỉ là “phát súng đầu tiên” trong một cuộc chiến toàn diện hơn. Những nhà giám sát an ninh Mỹ cho hay các nhóm cực đoan thật ra đã không thật sự che giấu tham vọng thực hiện “chiến dịch chiếm đóng Ðồi Capitol” từ tháng 12 năm ngoái trên các trang mạng xã hội như Instagram and Facebook, điều này cho thấy mức độ ngang tàng của chúng và những kẽ hở của pháp luật Mỹ bất chấp cảnh báo của các cơ quan an ninh.
 
Trong báo cáo hồi tháng 10- 2020, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) khẳng định các nhóm cực đoan bạo lực nội địa vẫn là mối đe dọa an ninh lớn nhất của nước Mỹ. Quyền Bộ trưởng DHS Chad Wolf  nêu rõ: “Những kẻ cực đoan bạo lực dân tộc thượng đẳng đã thực hiện các cuộc tấn công chết chóc ghê tởm và có chủ đích trong những năm gần đây”, trong đó năm 2019 làm 48 người thiệt mạng, cao hơn bất kỳ năm nào kể từ sau vụ đánh bom tòa nhà liên bang tại thành phố Oklahoma năm 1995. Vụ tấn công năm 1995 cùng với vụ thảm sát hàng loạt tại nhà thờ Charleston năm 2015 hay vụ xả súng đẫm máu vào giáo đường Do Thái Pittsburgh năm 2018 không phải là hành động khủng bố của “sói đơn độc” mà nằm trong cộng đồng các nhóm cực đoan được truyền bá trên các diễn đàn, mạng xã hội.
 
Ông Trump tố bị Twitter “bịt miệng”
 
Ngày 8-1, trong một loạt dòng trạng thái được đăng tải trên tài khoản chính thức POTUS của chính quyền Mỹ, hiện có khoảng 33,4 triệu người theo dõi, Tổng thống Trump chỉ trích “hành vi cấm đoán tự do ngôn luận” của Twitter, đồng thời cho rằng trang mạng xã hội này câu kết với các đối thủ chính trị để xóa tài khoản nhằm “bịt miệng” ông. Trước đó, Twitter thông báo đã khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump do nguy cơ xảy ra thêm bạo lực sau vụ tấn công vào tòa nhà quốc hội. Sau khi Twitter thông báo đã khóa tài khoản với trên 88 triệu lượt người theo dõi của ông Trump, Facebook đã có động thái tương tự với tài khoản chính thức của nhà lãnh đạo Mỹ có hơn 35 triệu người theo dõi.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc gặp với ông Antony Blinken - nhân vật được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử giữ chức ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền sắp tới, nhằm “tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển giao một cách có trật tự và đảm bảo các lợi ích của Mỹ được bảo vệ ở nước ngoài”.  Một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ mô tả cuộc gặp “rất hiệu quả”.
 
Liên quan đến vấn đề luận tội ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khẳng định sẵn sàng tiến hành các thủ tục này nếu Tổng thống trump không tự nguyện từ chức hoặc Phó Tổng thống Mike Pence không khởi động tiến trình cho phép ông và nội các phế truất Tổng thống đương nhiệm. Bà Pelosi cũng cho biết đã thảo luận với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley về “các biện pháp phòng ngừa sẵn có nhằm ngăn chặn một tổng thống thất thường khởi xướng những hành động quân sự thù địch hoặc tiếp cận với các mã phóng và ra lệnh thực hiện một vụ tấn công hạt nhân”.
 
Về phần mình, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, hạ nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa Kevin McCarthy phản đối những nỗ lực nhằm luận tội Tổng thống Trump, cho rằng “việc luận tội một tổng thống chỉ còn 12 ngày tại nhiệm sẽ chỉ khiến cho nước Mỹ chia rẽ sâu sắc hơn”. Một trong những đồng minh trung thành và có uy tín của Tổng thống Trump tại Quốc hội Mỹ cho biết đã gặp Tổng thống đắc cử Joe Biden, cũng như lên kế hoạch “thảo luận với ông Biden về cách thức mà chính giới phải hợp tác cùng nhau để hạ nhiệt căng thẳng và đoàn kết đất nước nhằm giải quyết những thách thức của nước Mỹ”.
 
KIẾN HÒA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới