Triều Tiên phô diễn vũ khí tối tân

Chủ nhật, 17 Tháng 1 2021 07:35 (GMT+7)
Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), nước này đã trình diễn nhiều vũ khí tối tân, gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), trong cuộc duyệt binh tối 14-1 ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng để chúc mừng Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động diễn ra thành công.
Một số SLBM được Triều Tiên phô diễn trong cuộc duyệt binh tối 14-1. Ảnh: AP
Một số SLBM được Triều Tiên phô diễn trong cuộc duyệt binh tối 14-1. Ảnh: AP
 
“Vũ khí mạnh nhất thế giới”
 
KCNA cho biết, nhiều xe bọc thép dẫn đầu đoàn diễu binh, theo sau là các tên lửa chiến thuật tối tân. Máy bay chiến đấu bay theo đội hình và vẽ “số 8” trên bầu trời bằng pháo hoa. Trong khi đó, hàng dài xe tăng nguyên mẫu chạy qua Quảng trường Kim Nhật Thành, theo sau là những xe chở tên lửa chiến thuật cực kỳ hiện đại. Tiếp đến là các loại pháo tự hành, phô trương sức mạnh của lực lượng pháo binh Triều Tiên.
 
Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un tham dự lễ duyệt binh, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Kim Jong-gwan có bài phát biểu. Cuộc duyệt binh này diễn ra chỉ 3 tháng sau khi Triều Tiên tổ chức một cuộc duyệt binh lớn vào đêm 10-10-2020 để kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động.
 
Trong lễ duyệt binh năm ngoái, Triều Tiên đã trình diễn một phiên bản SLBM mới được gọi là Pukguksong-4 cùng một mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Pukguksong-4  đã được thử nghiệm thành công năm 2019. Lần này, Triều Tiên không phô diễn ICBM vốn được cho có thể mang đầu đạn hạt nhân và tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên lục địa Mỹ.
 
Tuy nhiên, đài NHK của Nhật Bản cho biết Bình Nhưỡng vừa “trình làng” mẫu SLBM mới có lẽ là Pukguksong-5. KCNA mô tả đây là loại “vũ khí mạnh nhất thế giới”. Trong khi đó, phát biểu tại lễ duyệt binh, Bộ trưởng Kim Jong-gwan cảnh báo Triều Tiên sẽ tiến hành cuộc tấn công phủ đầu mạnh mẽ nhất vào kẻ thù đe dọa sự an toàn của nước này.
 
Trước đó, phát biểu tại Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ “thúc đẩy thống nhất quốc gia thông qua sức mạnh quân sự mạnh mẽ”, đồng thời công bố kế hoạch theo đuổi các loại khí tài quân sự phức tạp hơn, gồm tên lửa siêu thanh, vệ tinh do thám, ICBM đa đầu đạn có khả năng nhắm mục tiêu vào Mỹ, vũ khí và đầu đạn hạt nhân chiến thuật mới, đặc biệt là tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân.
 
Đáng chú ý, ông đề cập đến vũ khí hạt nhân ít nhất 36 lần nhưng lại không nhắc đến cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên được đưa ra hồi năm 2018.
 
Dù không rõ Triều Tiên có thật sự sở hữu những hệ thống vũ khí tiên tiến như vậy hay không nhưng tuyên bố của ông Kim làm dấy lên mối lo ngại ở Hàn Quốc.
 
Seoul tăng cường phòng vệ
 
Giới chức Hàn Quốc mới đây xác nhận đang cân nhắc phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Seoul hôm 11-1, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Đại tá Moon Hong-sik cho biết một tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân có thể được “thúc đẩy sau khi có đánh giá toàn diện về trình độ công nghệ và ngân sách quốc phòng”.
 
Ngoài ra, Hàn Quốc đang lên kế hoạch phóng thử nghiệm dưới nước đối với SLBM Hyunmoo-2B trong năm nay do đã hoàn thành phóng thử nghiệm trên mặt đất vào cuối năm 2020. Được biết, Hyunmoo-2B có tầm bắn khoảng 500km. Nếu vụ phóng thử sắp tới thành công, Hyunmoo-2B sẽ được sử dụng với các tàu ngầm tải trọng trên 3.000 tấn.
 
Trong bối cảnh trên, giới phân tích lo ngại sẽ nổ ra cuộc chạy đua vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên, giữa lúc Bình Nhưỡng yêu cầu cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vốn cản trở sự phát triển về kinh tế và quân sự kể từ khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 4 hồi tháng 3-2016.
 
“Tham vọng của Triều Tiên là muốn Mỹ công nhận nước này là một “cường quốc”. Theo họ, cách tốt nhất để đạt được điều đó là xây dựng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, ngay cả khi họ phải đánh mất nhiều thứ” - Garren Mulloy, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka (Nhật Bản), nhận định.
 
Theo Giáo sư Mulloy, nỗi sợ hãi lớn đối với Triều Tiên là một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ. Để ngăn chặn điều này, Bình Nhưỡng phát triển các tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, vốn rất khó bị phát hiện, đặc biệt là ở vùng biển sâu Thái Bình Dương và sẽ là mối đe dọa thực sự đối với lục địa Mỹ.
 
Còn về phần Hàn Quốc, Giáo sư Mulloy cho rằng Seoul đang liên minh với Washington nên không cần phải có tàu ngầm hạt nhân trong hạm đội của mình. Mặt khác, các tàu ngầm hiệu quả nhất ở vùng nước nông xung quanh Bán đảo Triều Tiên thường là các tàu động cơ diesel nhỏ, tàng hình và khó bị phát hiện. 
 
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới