Mỹ tăng cường sức mạnh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Chủ nhật, 07 Tháng 3 2021 15:59 (GMT+7)
Giới chức quân sự Mỹ vừa phác thảo kế hoạch chi tiêu mới nhằm tăng cường khả năng răn đe, đối phó các mối đe dọa từ Trung Quốc, gồm bổ sung các loại vũ khí mới, xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp tác về mặt quân sự một cách chặt chẽ hơn với các đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tàu sân bay USS Nimitz được Mỹ điều động từ Trung Đông đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters
Tàu sân bay USS Nimitz được Mỹ điều động từ Trung Đông đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters
 
Trong báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ mới đây, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) kêu gọi cấp ngân sách thêm 27 tỉ USD trong giai đoạn 2022-2027, trong đó 4,6 tỉ USD  dành riêng cho năm tài chính 2022.
 
Trước đó, INDOPACOM hồi năm 2020 yêu cầu Quốc hội chi 18,5 tỉ USD đến năm 2026 và đề xuất xây dựng cơ sở cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI), vốn được xem là cách tiếp cận thực tế và hiệu quả nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ trong khu vực, trong khi làm giảm rủi ro và tránh leo thang căng thẳng.
 
Với một vài thay đổi lớn so với đề xuất ngân sách năm 2020, kế hoạch chi tiêu mới do Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh INDOPACOM, phác thảo yêu cầu cung cấp các tên lửa và hệ thống phòng không mới, hệ thống radar, xây dựng trung tâm chia sẻ thông tin tình báo, kho tiếp nhiên liệu và bãi thử nghiệm trên khắp khu vực, đồng thời tăng cường tập trận với đồng minh và đối tác. INDOPACOM qua đó nhắc lại lời kêu gọi Washington phân bổ 1,6 tỉ USD để xây dựng năng lực phòng không tích hợp và bền vững tại đảo Guam, với  sự hỗ trợ của hệ thống radar tần số cao trị giá 200 triệu USD đặt tại Palau cũng như hệ thống radar đặt trên không gian trị giá 2,3 tỉ USD. Ngoài ra, đơn vị này cũng đề xuất khoản kinh phí 3,3 tỉ USD để trang bị các tên lửa tầm xa phóng từ đất liền, có phạm vi hoạt động hơn 500km, từ đó tạo thành “các mạng lưới tấn công chính xác, có khả năng sống sót cao dọc theo Chuỗi đảo thứ nhất”.
 
Đô đốc Davidson cho biết ưu tiên hàng đầu của ông là thiết lập một hệ thống lá chắn tên lửa trên mặt đất tại đảo Guam vào năm 2026, giúp bảo vệ người dân và các lực lượng Mỹ ở đây. Hiện hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đảo Guam có thể bảo vệ nơi đây trước các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nhưng radar AN/TPY-2 của nó được cho dễ bị tổn thương và không thể cung cấp tầm nhìn 360 độ.
 
“Các đề xuất trong báo cáo được đưa ra để cảnh báo các đối thủ tiềm năng của Mỹ rằng bất cứ hành động quân sự phủ đầu nào sẽ phải trả giá đắt và có khả năng thất bại trước sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy vào thời điểm xảy ra khủng hoảng” - Defense News dẫn tóm tắt báo cáo cho hay.
 
Theo Defense News, do lo ngại Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu, các nhà lập pháp xứ cờ hoa mới đây đã công bố dự luật quốc phòng nhắm mục tiêu vào Bắc Kinh trên nhiều mặt trận mà theo đó sẽ dành 6,9 tỉ USD cho PDI mới trong vòng 2 năm tới. Mặt khác, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đưa ra báo hiệu cho thấy sẽ có cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc. Trong phiên điều trần tại Thượng viện hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thừa nhận Trung Quốc là mối đe dọa của Lầu Năm Góc, qua đó xem PDI là “công cụ hữu dụng”.
 
Trong thông điệp gửi đến các lực lượng Mỹ ngày 4-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh ngay cả khi nước này đang phải giải quyết nhiều vấn đề khác, Washington vẫn bảo đảm duy trì khả năng sẵn sàng ứng phó và ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa đến từ bên ngoài. Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục duy trì khả năng răn đe đối với các mối đe dọa mới, đồng thời xác định quy mô các phái bộ của nước này trên khắp thế giới một cách có nguyên tắc.
 
 Mỹ có mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài nhiều hơn bất cứ nước nào. Báo Politico dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ Washington có xấp xỉ 800 căn cứ quân sự thường trực trên khắp thế giới, vận hành với hơn 230.000 binh lính. Riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ duy trì 154.000 binh sĩ đồn trú, gồm 50.000 binh sĩ tại 109 căn cứ ở Nhật Bản, 28.000 quân nhân làm nhiệm vụ tại 85 căn cứ ở Hàn Quốc. Ở châu Âu, nước này sở hữu tới 65.000 quân nhân tại 350 căn cứ, gồm 58 căn cứ ở Ý và gần 180 cơ sở quân sự trên lãnh thổ Đức.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới